leftcenterrightdel
 Dự kiến, khoảng 243 triệu trẻ em ở châu Á và Thái Bình Dương sẽ phải hứng chịu nắng nóng kéo dài - Ảnh: AFP

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Albert Domingo, nguyên nhân các trường hợp tử vong vẫn đang được xác định nhưng chắc chắn liên quan đến sốc nhiệt. Ngoài ra, còn có hàng trăm ca bệnh khác được xác nhận là do nhiệt. Bộ Y tế cảnh báo, việc tiếp xúc với nắng nóng quá mức có thể gây chuột rút, kiệt sức, say nắng. Nhà chức trách khuyến cáo, để tránh các biến chứng do nắng nóng cực đoan, người dân nên hạn chế hoạt động ngoài trời, đồng thời tăng cường bổ sung nước.

"Các bệnh liên quan đến nhiệt bao gồm chuột rút, ngất hoặc ngất xỉu và kiệt sức. Say nắng chủ yếu ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các vận động viên trẻ và bất kỳ ai tiếp xúc với nắng nóng kéo dài. Nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ em từ 4 tuổi trở xuống và người lớn trên 65 tuổi vì những nhóm tuổi này thích nghi với nhiệt độ chậm hơn. Để tránh say nắng, nên uống nhiều nước, ở trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp lâu với ánh nắng mặt trời.

Nếu có dấu hiệu say nắng, nên chườm túi nước đá lên nách, bẹn và cổ, những khu vực có nhiều mạch máu để làm giảm nhiệt độ cơ thể" - Bộ Y tế Philippines khuyến cáo.

Đầu tháng Tư, cơ quan thời tiết Philippines dự báo nhiệt độ có thể lên tới 51 độ C ở một số khu vực trên toàn quốc. Dự kiến thời tiết oi bức sẽ kéo dài cho đến tháng sau. Tuần qua, khi nhiệt độ lên 44 độ C, Philippines đã cho 7.000 trường công lập chuyển sang học trực tuyến.

Biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng, khiến châu Á như bị thiêu đốt. Theo UNICEF, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc, dự kiến, khoảng 243 triệu trẻ em ở châu Á và Thái Bình Dương sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài và ngày càng nóng hơn vào những tháng tới.

UNICEF cho biết, trẻ em đặc biệt dễ bị say nắng, việc tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và học tập của trẻ.

Theo phụ nữ TPHCM