Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM Cơ sở 3, cho biết theo y học cổ truyền ngâm thuốc là dùng nước sắc hoặc hãm các thuốc cổ truyền để ngâm toàn thân hoặc ngâm chân, tay để phòng bệnh và chữa bệnh. Thường dùng các thuốc có tác dụng giải biểu (ra mồ hôi), khu phong (đuổi gió), tán hàn (tạo sự ấm nóng phần ngoài của cơ thể, làm ra mồ hôi nhẹ), trừ thấp (trừ ẩm), hoạt huyết (lưu thông máu huyết), tiêu viêm, lưu thông kinh lạc, …
Theo y học hiện đại, ngâm thuốc có tác dụng điều hòa hoạt động của hệ tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hóa, chống viêm, chống stress và điều hòa cơ thể, giảm đau, ...
Mùa đông, thời tiết chuyển lạnh, làm cho khí huyết kinh mạch trệ tắc gây đau. Việc sử dụng ngâm chân giúp ôn kinh, tán hàn, hành khí, hoạt huyết,...
Sau đây là một số vị thuốc y học cổ truyền thường được sử dụng:
Các bài thuốc thảo dược ngâm chân
Gừng: Tác dụng giải biểu tán hàn (tạo sự ấm nóng phần ngoài của cơ thể, làm ra mồ hôi nhẹ), ôn thông kinh mạch giúp tuần hoàn máu tốt.
Cách làm: Gừng tươi 20 g, đập dập, cho vào khoảng nửa nồi nước, đậy kín vung để tránh làm bay hơi một số chất trong gừng, đun sôi trong khoảng 10 phút. Đổ toàn bộ nước và gừng đã đun vào chậu pha thêm nước lạnh khoảng 35 - 39 độ C là ngâm được.
Ngải cứu: Có tác dụng hành khí hoạt huyết, giảm đau, ôn ấm tử cung.
Cách làm: Ngải cứu tươi 20 g, cho vào nửa nồi nước đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ cả lá và nước pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 35 - 39 độ C thì ngâm hai chân.
Vỏ quế và hoa tiêu: Có tác dụng ôn thận, bổ hỏa trợ dương (cải thiện các tình trạng bệnh do phần dương của cơ thể bị suy kém).
Cách làm: Vỏ quế, hoa tiêu mỗi thứ 15 g cho vào nồi đổ nước, đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ ra chậu pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 35 - 39 độ C là được.
Tiểu hồi: Có tác dụng khứ hàn thấp, làm ấm vùng dưới rốn.
Cách làm: Tiểu hồi 10 g, có thể kết hợp gừng tươi, vỏ quế, cho vào nồi với nước đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ ra chậu pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 35 - 39 độ C là được.
Một số lưu ý khi ngâm chân
Bác sĩ Minh Như cho biết, thời gian ngâm khoảng 15 - 20 phút/lần, 1 - 2 lần/ngày, người bệnh làm sạch bộ phận cần ngâm và uống đủ nước. Dược liệu nên được nấu trước khi cho vào ngâm để hòa tan và chiết được nhiều dược chất hơn. Nước thuốc có thể pha thêm nước lạnh sao cho độ ấm khoảng 35 - 39 độ C là vừa, lượng ít hay nhiều tùy người sử dụng.
Tùy vào điều kiện, thùng ngâm chân có thể dùng thùng nhôm hoặc thùng gỗ...
"Khi ngâm, không nên nhúng ngay bàn chân vào chậu nước mà nên đặt bàn chân cách mặt nước một khoảng để xông hơi trước, vừa giúp chân không bị sốc nhiệt và giúp nở lỗ chân lông. Sau đó từ từ hạ bàn chân sát mặt nước rồi mới ngâm cả chân", bác sĩ Như lưu ý.
Trong quá trình ngâm thuốc người bệnh tự xoa bóp vùng trị liệu để tăng hiệu quả. Làm sạch vùng trị liệu vừa ngâm bằng nước sạch, uống nước bổ sung.
Ngoài ra, theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM Cơ sở 3, liệu pháp ngâm chân có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hóa... rất có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên có một số trường hợp cần lưu ý không tự ngâm chân thảo dược như người có vết thương hở, vết thương nhiễm khuẩn, người bị viêm cấp, tắc động mạch hay tĩnh mạch ở bệnh nhân đái tháo đường; có các khối u ác tính, lao tiến triển...
Theo Thanh niên