leftcenterrightdel
 Có nên làm sạch "cỏ" vùng kín? (Ảnh minh họa)

Con người từng có lông rậm, sau quá trình tiến hóa liên tục, hầu hết lông trên cơ thể đã rụng dần, ngoại trừ một số bộ phận vẫn còn lông như lông tay, lông nách, lông mu. 

Một số phụ nữ thích làm đẹp thường cạo sạch lông, đặc biệt là lông ở nách, lông vùng kín, giúp họ thoải mái trưng diện các trang phục gợi cảm. Tuy nhiên, những sợi lông còn sót lại này có làm xấu cho cơ thể con người hay không? Nếu cạo hết lông đi có tốt không? 

Theo các nhà khoa học, sự tồn tại của lông là cần thiết cho cơ thể con người, đặc biệt ở những bộ phận nhạy cảm như vùng kín. Nhờ có lông, những bộ phận này tránh sự cọ xát trực tiếp với quần áo. Vùng lông này đóng vai trò như màng chắn ngăn ngừa sự xâm nhập các loại vi khuẩn và virus từ bên ngoài gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn vùng kín, bảo vệ khỏi những tổn thương do vi khuẩn và mầm bệnh gây ra. Lớp "đệm" này còn giúp thông gió, tản nhiệt cho cơ thể khi trời nóng và giữ ấm khi trời lạnh. Ngoài ra, theo quan điểm tình dục học, lớp mềm mại này cũng là vùng đệm cho sự va chạm, ma sát, nâng cao những trải nghiệm trong chuyện gối chăn. 

Tuy nhiên, đôi khi lớp lông vùng kín mang lại phiền toái, ví dụ gây mùi hôi khi bạn vệ sinh không sạch sẽ, gây phiền toái khi mặc đồ bơi sexy...

Theo các chuyên gia về sức khỏe, lông mu có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhiều quan điểm cho rằng cạo lông vùng kín không ảnh hưởng gì đến cơ thể nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra, việc làm tùy tiện có thể khiến bạn dễ mắc nhiều bệnh hơn. Một nghiên cứu được công bố trên BMJ cho thấy nếu cạo lông vùng kín, bạn có thể bị nhiễm virus u nhú và mắc các bệnh ngoài da như mụn rộp, rôm sảy... Những người cạo lông thường xuyên sẽ có tỷ lệ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cao hơn những người không cạo lông. Nếu cạo lông vùng kín quá sạch sẽ có thể khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong, gây nên những bệnh như ngứa ngáy, kích ứng, nổi mụn nước, viêm nang lông...

Vậy có nên cạo lông vùng kín?

Nếu việc cạo lông vùng kín khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn và công việc này có thể được thực hiện một cách hợp vệ sinh thì không vấn đề gì. Nhưng từ quan điểm y tế và sức khỏe, nên hạn chế làm điều này quá thường xuyên, hoặc chỉ nên cắt tỉa cho vùng lông này gọn gàng, thay vì triệt hẳn. 

Nếu bạn thực sự cần phải cắt tỉa lông vùng kín, hãy chú ý chọn phương pháp phù hợp. Bạn có thể chọn phương pháp waxing vùng kín bằng công nghệ mới, vừa không gây đau rát, vừa đảm bảo vệ sinh. Trong trường hợp bạn thực hiện công việc này thủ công ở nhà bằng dao cạo, nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, mặc đồ thoáng, mềm sau khi "dọn cỏ". Khi bạn làm việc này không đúng cách sẽ gây tổn thương vùng kín, khiến vi khuẩn dễ tấn công, gây kích ứng và nổi mụn, viêm nang lông... 

Đừng quên khi bạn cạo lông, lông sẽ mọc lại nhiều hơn, cứng hơn và dễ gây ra tình trạng viêm lỗ chân lông hoặc lông mọc ngược. Với người mắc tiểu đường, vảy nến, eczema, suy giảm hệ thống miễn dịch thì không được thực hiện cạo lông vùng kín để tránh bụi bẩn, vi khuẩn từ ngoài xâm nhập gây nguy cơ viêm nhiễm cao. 

THÙY LINH (DỊCH TỪ SOHU)