|
|
Trong thai kỳ, phụ nữ không nên can thiệp hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Oscar Wong/Getty Images. |
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội), nhấn mạnh phụ nữ mang bầu không nên phẫu thuật nâng mũi vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt, việc điều trị kháng sinh liều cao tăng cường sau nâng mũi gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong quá trình mang thai, cho con bú, phụ nữ không được thực hiện bất kỳ thủ thuật xâm lấn nào hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Khi con cai sữa, người mẹ có thể nâng mũi hoặc thực hiện các phương pháp làm đẹp khác bình thường.
Theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, nâng mũi là phẫu thuật ít xâm lấn nên không phải chống chỉ định tuyệt đối khi mang thai ở giai đoạn sau của thai kỳ (sau 3 tháng). Tuy vậy, không nên can thiệp bất cứ phẫu thuật gì trong thời gian này, trừ trường hợp những bệnh tiên lượng có nguy cơ nặng nề cho mẹ.
Sau phẫu thuật nâng mũi, phụ nữ không cần kiêng ăn bất cứ loại thực phẩm gì trừ khi dị ứng hoặc chỉ kiêng tôm, cua, hải sản, đồ ăn lạ,… nếu có cơ địa dị ứng. Không nên động chạm vào mũi, đặc biệt là vết mổ, không nên đeo kính trong khoảng 3 tháng đầu sau mổ. Trong 3 tuần đầu, mũi thường sưng nề, tụ máu làm dáng mũi thay đổi.
Các biến chứng có thể gặp khi nâng mũi gồm:
- Bầm tím, sưng nề: Thường hết sau một đến hai tuần.
- Nhiễm trùng: Có thể xuất hiện sớm sau mổ vài ngày hoặc muộn sau vài tuần đến vài tháng, thường biểu hiện bằng sưng đỏ khu trú, bùng nhùng, chảy dịch..., cần xử lý sớm bằng kháng sinh mạnh hoặc tháo chất liệu.
- Đỏ đầu mũi: Nếu không đặt sống mũi quá cao, quá dài, tình trạng này xảy ra do phản ứng chất liệu (hiếm gặp), cần xử lý theo nguyên nhân.
- Thủng đầu mũi, lộ chất liệu ra đầu mũi, biến dạng đầu mũi, vách mũi là những biến chứng nặng nề làm thay đổi hình dáng mũi ngay cả khi tháo chất liệu hoặc theo dõi không sát, xử lý biến chứng không kịp thời sau mổ.
- Một số biến chứng khác như lệch, cong, quá dài, quá ngắn,... có thể sửa lại, tốt nhất sau 3 - 6 tháng.
Theo zingnews