leftcenterrightdel
 2 loại thuốc phá thai phổ biến nhất ở Mỹ là mifepristone (trái) và misoprostol (phải) tại một phòng khám ở Des Moines, bang Iowa - Ảnh: AP

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y dược quốc tế JAMA cho thấy, hàng ngàn phụ nữ ở Mỹ đã tích trữ thuốc phá thai đề phòng trường hợp cần thiết, với nhu cầu lên đến đỉnh điểm trong giai đoạn 2021 - 2023, theo bản tin ngày 3/1 của AP.

Nghiên cứu được công bố hôm thứ Ba, ngày 2/1 cho biết, phá thai bằng thuốc chiếm hơn một nửa số ca phá thai ở Mỹ và thường liên quan đến 2 loại thuốc là mifepristone và misoprostol. Nhóm nghiên cứu đã thống kê các yêu cầu tìm kiếm liên quan đến 2 loại thuốc này thông qua Cơ quan Hỗ trợ quyền tiếp cận dịch vụ y tế (Aid Access - AA), dịch vụ trực tuyến của châu Âu để kê đơn và cấp thuốc.

Theo đó, dịch vụ AA đã nhận được khoảng 48.400 yêu cầu “đặt hàng trước” từ khắp Hoa Kỳ, từ năm 2021 đến năm 2023. Nhu cầu lên đến đỉnh điểm ngay sau khi có tin tức rò rỉ vào tháng 5/2022 rằng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ lật ngược án lệ “Roe kiện Wade”.

Trên toàn nước Mỹ, các yêu cầu thuốc phá thai trung bình đã tăng gần 10 lần, từ mức khoảng 25 yêu cầu/ngày giai đoạn 8 tháng trước vụ rò rỉ thông tin, lên đến mức 247 yêu cầu/ngày sau vụ rò rỉ. Ở những bang với lệnh cấm phá thai là không thể tránh khỏi, tỉ lệ yêu cầu phá thai trung bình hàng tuần đã tăng gần gấp 9 lần.

Tiến sĩ Abigail Aiken - phó giáo sư tại Đại học Texas ở thành phố Austin và là một trong những tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Mọi người đang cân nhắc các mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe sinh sản, cũng như với quyền sinh sản của họ và tự đặt câu hỏi: Làm thế nào tôi chuẩn bị cho thử thách này? Làm thế nào tôi vượt qua được hoặc thoát khỏi điều này?”.

Nghiên cứu của bà Aiken và các cộng sự cho thấy, nhu cầu thuốc phá thai của người Mỹ duy trì ở mức cao từ tháng 6/2022 đến trước ngày 21/4/2023. Đó là thời điểm Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tạm thời vô hiệu hóa phán quyết của một thẩm phán liên bang ở Texas về việc rút giấy phép lưu hành mifepristone, thuốc phá thai phổ biến nhất tại Hoa Kỳ, qua đó cho phép người dân tạm thời được tiếp tục sử dụng thuốc phá thai. 

Cụ thể, nhu cầu thuốc phá thai của người Mỹ giảm xuống 89 yêu cầu/ngày trên toàn quốc, sau quyết định của Tối cao Pháp viện liên quan đến thuốc mifepristone. Sau đó lại bật tăng lên mức 172 yêu cầu/ngày khi có mâu thuẫn pháp lý về việc Liên bang Hoa Kỳ phê duyệt mifepristone. 

Tiến sĩ Aiken cho biết, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ ra phán quyết về giới hạn đối với thuốc mifepristone trong năm 2024. Đó là lý do người Mỹ lại tìm mua và tích trữ thuốc phá thai từng phổ biến nhất ở nước này, trước viễn cảnh họ lại bị hạn chế quyền tiếp cận thuốc.

Tiến sĩ Rebecca Gomperts ở Amsterdam - Giám đốc AA, đồng tác giả nghiên cứu - cho rằng nhu cầu thuốc phá thai tăng đột biến là do nhận thức của công chúng được nâng cao hơn trong thời điểm bất ổn.

Theo phụ nữ TPHCM