Nghiên cứu do Zifan Wang - nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của Trường Sức khỏe công cộng T.H. Chan (Đại học Harvard, Mỹ) - thực hiện.

Các nhà khoa học phát hiện khoảng 16% phụ nữ sinh từ năm 2000-2005 hành kinh đầu tiên vào lúc 9-11 tuổi, so với chỉ 8% ở những phụ nữ sinh từ 1950-1969. Ngày càng nhiều phụ nữ mất 3 năm hoặc lâu hơn mới hành kinh đều đặn sau kỳ kinh đầu tiên. Xu hướng hành kinh sớm rất rõ ở những nhóm người thiểu số hoặc có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp.

Theo tiến sĩ Wang, hành kinh sớm và việc mất nhiều thời gian hơn để chu kỳ trở nên đều đặn có liên quan đến tình trạng sức khỏe không tốt, bao gồm bệnh tim mạch và ung thư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Tiến sĩ Eve Feinberg - phó giáo sư sản phụ khoa của Trường Y khoa Feinberg (Đại học Northwestern) tại Chicago - nhận định: người có chu kỳ kinh không đều càng kéo dài thì càng ở trong tình trạng mất cân bằng của 2 hoóc môn quan trọng là estrogen và progesterone.

Estrogen báo hiệu tăng trưởng, trong khi progesterone báo hiệu sự tăng trưởng này ngưng lại. Về lý thuyết, việc tiếp xúc với estrogen kéo dài mà không cân bằng tốt với progesterone có thể xem là gia tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và có vấn đề vô sinh trong tương lai.

Bản thân việc hành kinh sớm cũng có vấn đề. Theo Trường Sản phụ khoa Mỹ (ACOG), bình thường trẻ em gái có kinh đầu tiên từ 12-13 tuổi và mất 3 năm chu kỳ kinh mới trở nên đều đặn.

Tại sao xu hướng hành kinh đang thay đổi? Theo tiến sĩ Wang, tình trạng béo phì đang gia tăng góp phần khiến trẻ hành kinh sớm hơn. Cũng có thể do những yếu tố môi trường khác như dinh dưỡng hoặc tiếp xúc với vi nhựa, bà Feinberg nhận định và cho rằng cần có nhiều hơn những nghiên cứu về vấn đề này.

Theo phụ nữ TPHCM