Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi- rubella để tăng miễn dịch
Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo những nghiên cứu gần đây, miễn dịch bảo vệ bệnh sởi ở các bà mẹ mang thai là thấp và có một tỷ lệ lớn trẻ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ các bà mẹ này không có miễn dịch hoặc miễn dịch từ mẹ truyền sang con không đủ bảo vệ trẻ phòng bệnh sởi.
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, nghiên cứu tồn lưu miễn dịch với virus sởi ở trẻ từ 2-9 tháng tuổi tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương năm 2015 cho thấy, tỷ lệ trẻ từ 2-9 tháng tuổi có kháng thể sởi đủ bảo vệ chỉ đạt 13,1%. Tỷ lệ trẻ không được bảo vệ phòng bệnh sởi chiếm 86,9%.
Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ trẻ có kháng thể bảo vệ cao nhất ở nhóm trẻ 2 tháng tuổi chiếm 35,1%, tiếp theo là nhóm 3-5 tháng tuổi chiếm 21,3%, thấp nhất là nhóm từ 6-9 tháng tuổi 0,5%.
Trẻ lớn tuổi nhất còn kháng thể bảo vệ là 6,7 tháng tuổi. Tất cả 100% trẻ từ 7-9 tháng tuổi không còn kháng thể bảo vệ.
Nhóm trẻ có mẹ đã từng mắc sởi có tỷ lệ bảo vệ gần 23%, cao gấp 2,5 lần so với nhóm có mẹ chưa từng mắc sởi và chưa từng tiêm vắc xin sởi. Nhóm mẹ chưa từng mắc sởi nhưng đã từng tiêm vắc xin có tỷ lệ bảo vệ 11,5%, cao gấp 1,1 lần số với nhóm có mẹ chưa từng mắc sởi và chưa từng tiêm vắc xin
Trước đó tại hội nghị phòng chống dịch bệnh năm 2018 của Bộ Y tế, phân tích về tình hình dịch sởi, PGS. TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, qua điều tra dịch tễ, trong số các trường hợp mắc sởi đến cuối tháng 3/2018 có 54 ca mắc (chiếm 38,3%) ở độ tuổi dưới 9 tháng tuổi- chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng bày tỏ lo ngại khi bệnh sởi lây truyền rất mạnh, miễn dịch chủ động của bà mẹ truyền cho trẻ sơ sinh để bảo vệ trong những tháng đầu đời rất thấp…
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tại khu vực phía Nam cũng ghi nhận số trẻ mắc bệnh dưới độ tuổi tiêm chủng (vắc xin sởi và ho gà) có xu hướng gia tăng do miễn dịch cộng đồng giảm.
Một trong những nguyên nhân do tỉ lệ cộng đồng có miễn dịch với căn bệnh này còn chưa cao nên nguồn lây bệnh cho trẻ có thể từ chính ông bà, bố mẹ là những người tiếp xúc hàng ngày với trẻ.
“Ở người lớn nếu mắc bệnh biểu hiện có thể không rõ ràng nhưng được biệt với trẻ sinh, nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi biến chứng rất cao. Do đó việc bao phủ đối tượng tiêm chủng là vô cùng quan trọng trong phòng chống các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin”- Viện trưởng Phan Trọng Lân nói
Do tình hình dịch sởi có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, đồng thời kết quả của một số nghiên cứu cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai đang ở mức thấp, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella, để phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh sởi, hội chứng rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.
Trước nguy cơ dịch sởi có chiều hướng gia tăng, tại hội nghị phòng chống dịch bệnh
sốt xuất huyết và dịch bệnh mùa hè năm 2018 mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ, thực tế miễn dịch sởi ở trẻ em thì tốt, nhưng miễn dịch của người lớn không có.
Việt Nam bắt đầu triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985, tỷ lệ tiêm chủng tăng dần hàng năm ở trẻ em vì thế có một lượng lớn người lớn không có miễn dịch.
Điều này lý giải vì sao nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin cũng mắc sởi là do không có miễn dịch từ mẹ truyền cho.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đánh giá xem lại miễn dịch của cộng đồng với bệnh sởi, đưa ra khuyến cáo tiêm vắc xin cho người lớn, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Theo Sức khỏe và đời sống