leftcenterrightdel
Phụ nữ hiện vẫn giữ vai trò là người đóng góp quan trọng trong các công việc liên quan đến chăm sóc gia đình. 

"Người giữ lửa" của gia đình

Báo cáo năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2021 đã đề cập đến vấn đề bất bình đẳng giới trong việc phân chia các công việc nội trợ và chăm sóc không được trả lương, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi những công việc này trở nên đặc biệt nổi bật. Theo ILO, trong số các phụ nữ đang chăm sóc người cao tuổi, đa phần là những người làm công việc nội trợ và tự do. Tại Việt Nam, có đến 68,2% phụ nữ trung niên tham gia các công việc nội trợ không lương, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ khoảng 11,5%. Những công việc này bao gồm chăm sóc người già, trẻ nhỏ, và đảm bảo sự vận hành của gia đình.

Hơn nữa, tỷ lệ phụ nữ làm các công việc tự do cũng cao hơn so với nam giới. Theo số liệu của ILO, năm 2022, có khoảng 38% phụ nữ trên 45 tuổi tham gia các công việc tự do, so với 27% nam giới cùng độ tuổi. Đối với nhiều phụ nữ, công việc tự do không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp họ linh hoạt hơn trong việc cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng khi họ phải đảm nhiệm vai trò chăm sóc người cao tuổi.

Thực tế hiện nay, phụ nữ vẫn giữ vai trò là người đóng góp quan trọng trong các công việc liên quan đến chăm sóc gia đình. Vì vậy, phụ nữ vẫn được ví như "người giữ lửa" trong gia đình Việt Nam. Điều này càng rõ ràng hơn khi xét đến vai trò của họ trong việc chăm sóc người cao tuổi.

Theo thống kê từ Tổng cục Thống kê năm 2022, phụ nữ chiếm đến 70% trong số những người chăm sóc người cao tuổi trong gia đình. Điều này phản ánh truyền thống văn hóa của Việt Nam, nơi mà vai trò chăm sóc người già thường gắn liền với phái nữ, đặc biệt là những phụ nữ trung niên.

leftcenterrightdel
 Trong gia đình cần có sự phân chia công việc một cách công bằng, để phụ nữ không phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm chăm sóc. 

 

Gánh nặng kép với phụ nữ trung niên và phụ nữ cao tuổi

Phụ nữ trung niên và cao tuổi thường phải đối mặt với gánh nặng kép: vừa phải chăm sóc người cao tuổi, vừa tham gia các hoạt động kinh tế để duy trì cuộc sống gia đình. Theo Tổng cục Thống kê, có đến 60% phụ nữ trong độ tuổi từ 45 đến 60 vừa phải đảm nhận việc nội trợ, vừa tham gia các hoạt động kinh tế phi chính thức, như buôn bán nhỏ lẻ, nông nghiệp hoặc dịch vụ tự do. Điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với phụ nữ, khi họ phải đảm bảo cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho người cao tuổi mà mình chăm sóc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của họ và là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề sức khỏe như căng thẳng tâm lý, trầm cảm, và suy giảm sức khỏe thể chất.

Trong khi đó, nam giới, dù cũng tham gia chăm sóc người cao tuổi, nhưng phần lớn họ thường chỉ hỗ trợ trong các công việc đơn giản hoặc chủ yếu đảm nhận trách nhiệm kinh tế. Chính điều này càng làm nổi bật vai trò không thể thay thế của phụ nữ trong gia đình, và nhu cầu cần thiết về sự hỗ trợ và chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình.

Không chỉ những phụ nữ trung niên mà ngay cả phụ nữ cao tuổi cũng đảm nhận vai trò chăm sóc người thân lớn tuổi hơn trong gia đình, hoặc thậm chí chăm sóc cháu nhỏ. Ngoài việc chăm sóc người già, phụ nữ cao tuổi cũng tham gia tích cực vào các hoạt động nội trợ như nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc cháu chắt. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho các thành viên trẻ hơn trong gia đình mà còn tạo điều kiện để phụ nữ cao tuổi giữ được sự tự tin và cảm giác hữu ích. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ cao tuổi gặp khó khăn về sức khỏe khi phải đảm nhận quá nhiều công việc.

Hướng tới sự hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ cao tuổi

Trước thực trạng này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ cao tuổi trong việc chăm sóc gia đình và người thân. Một trong số đó là các chính sách cải thiện điều kiện làm việc cho phụ nữ, giúp họ có thêm thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực từ nhà nước, sự hỗ trợ từ cộng đồng và gia đình cũng đóng vai trò quan trọng. Gia đình cần có sự phân chia công việc một cách công bằng, để phụ nữ không phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm chăm sóc. Đồng thời, các tổ chức xã hội cũng cần đẩy mạnh việc đào tạo kỹ năng chăm sóc người cao tuổi cho các phụ nữ, giúp họ nắm vững kiến thức y tế cơ bản và tâm lý, nhằm đảm bảo người thân được chăm sóc tốt nhất.

Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trung niên và cao tuổi, là những người âm thầm đóng góp vào sự ổn định và phát triển của gia đình và xã hội thông qua vai trò chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, những công việc này không chỉ đòi hỏi thời gian, công sức mà còn tạo ra áp lực lớn về tinh thần và sức khỏe cho họ. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện hơn từ Chính phủ và sự chia sẻ trách nhiệm từ các thành viên trong gia đình để phụ nữ có thể vừa hoàn thành vai trò chăm sóc, vừa có thời gian chăm lo cho bản thân.

Trong bối cảnh xã hội già hóa ngày càng rõ nét, việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ phụ nữ trong công tác chăm sóc người cao tuổi sẽ là một bước quan trọng giúp giảm bớt áp lực cho họ và xây dựng một xã hội phát triển bền vững hơn.

Hoàng Đan