Nguyên nhân gây ra tụt lợi

Tụt lợi có thể là do viêm lợi,: viêm quanh răng nếu không được điều trị lâu ngày sẽ dẫn đến tụt lợi. Bị tụt lợi do viêm quanh răng thường có kèm theo chảy máu lợi, sưng lợi và có thể bị tụt lợi ở toàn bộ hai hàm nếu không được chữa trị kịp thời.

Tụt lợi không do viêm: do lớp xương phủ bề mặt ngoài của chân răng quá mỏng, dễ bị sang chấn. Sang chấn khớp cắn cũng là một yếu tố làm tình trạng tụt lợi thêm trầm trọng, do kích thích tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ. Những răng bị lệch ra ngoài cung hàm cũng dễ bị tụt lợi. Đặc biệt do sự co kéo quá mức của các phanh môi, má nên thường gây tụt lợi của răng bên dưới. Tụt lợi còn là hậu quả của những biện pháp điều trị vùng quanh răng hoặc điều trị nắn chỉnh răng.

Nguyên nhân gây tụt lợi và mòn cổ răng rất phổ biến ở người cao tuổi là chải răng bằng bàn chải lông quá cứng và chải răng không đúng cách. Nguyên nhân tụt lợi không do viêm thường chỉ liên quan đến một răng hoặc vài răng và thường gặp nhất là ở vùng răng nanh, răng cửa, ít khi gặp ở răng hàm.

photo-1698671109207

Tụt lợi do các nguyên nhân này thường thì không liên quan đến quá trình viêm của các tổ chức quanh răng. Nhưng nếu lợi bị tụt quá đường ranh giới lợi – niêm thì có thể có kèm theo viêm lợi thứ phát.

Hậu quả khi bị tụt lợi là gì?

Tụt lợi là bệnh lý răng miệng phổ biến thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Tụt lợi khiến người bệnh đau nhức khó chịu ở vùng lợi, ê buốt khi chải răng, khó vệ sinh răng miệng, thường gây hôi miệng, chảy máu, sưng lợi,… lâu dần dẫn đến nhiều biến chứng nhiễm trùng, răng nhạy cảm hơn, dễ dịch chuyển, lung lay và gãy rụng...

Bởi hậu quả của tụt lợi là làm lộ ngà răng, tăng nhạy cảm răng khiến răng ê buốt, hở kẽ răng, dễ giắt thức ăn và gây mất thẩm mỹ. Tình trạng lộ ngà răng có thể xảy ra đột ngột ngay sau khi tụt lợi gây ra ê buốt răng khi đánh răng, khi ăn thức ăn nóng, lạnh nhưng cũng có thể xảy ra từ từ và người bệnh thường không bị ê buốt do phản ứng làm dày lớp ngà sát tủy răng của cơ thể. Tụt lợi sẽ kéo theo quá trình viêm của vùng quanh răng.

Điều trị tụt lợi hiệu quả

Hậu quả khi bị tụt lợi, phương pháp chữa tụt lợi hiệu quả - Ảnh 3.

Cần đánh răng thường xuyên và đúng cách để phòng tụt lợi.

Tụt lợi có thể điều trị nếu được phát hiện kịp thời. Tùy vào mức độ nghiêm trọng sẽ có phương pháp điều trị tụt lợi khác nhau.

- Nếu tụt lợi ở mức độ nhẹ:

Tình trạng tụt lợi nhẹ chỉ xảy ra ở một hay một vài răng. Bệnh nhân bị tụt lợi nhẹ, răng không lộ quá nhiều. Việc điều trị tụt lợi tương đối đơn giản như: Lấy sạch cao răng và vệ sinh khoang miệng sạch sẽ. Dùng gel ngậm Flour hay thuốc trị viêm lợi để phục hồi sức khỏe răng miệng. Chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách với bàn chải lông mềm, chỉ nha khoa và nước súc miệng. Tái khám định kỳ để bệnh không tái phát sau điều trị.

- Nếu tụt lợi trầm trọng hơn, nhiều răng, phần lợi viêm nhiễm sưng đỏ, chân răng hở nhiều khiến răng trở nên rất nhạy cảm. Việc điều trị phức tạp hơn có thể sử dụng các phương pháp gồm: Nạo túi nha chu để loại bỏ vi khuẩn có hại ra khỏi các túi nha giả hay thu nhỏ kích thước của chúng lại. Sau đó thực hiện khâu mô lợi tại vị trí gốc răng. Hoặc ghép mô liên kết dưới biểu mô hoặc ghép nướu tự do tự thân,…: Sử dụng mô bên trong khoang miệng để bù đắp lại phần lợi đã bị tụt. Mô lợi được bù đắp có chức năng tái tạo lại trạng thái nướu bình thường. Đồng thời giúp phục hồi những tổn thương và ngăn ngừa bệnh tái phát…hoặc phẫu thuật dùng màng nhân tạo kết hợp với vạt tại chỗ.

Nêu tụt lợi lâu ngày, răng sẽ bị mòn cổ, lộ ngà, viêm nhiễm và răng lung lay không thể đứng vững trên khung hàm, thậm chí một số trường hợp có thể mất răng vĩnh viễn. Với trường hợp này, bác sĩ buộc phải nhổ bỏ răng không thể phục hồi, làm sạch ổ viêm và tiến hành trồng lại răng giả để ngăn chặn biến chứng tiêu xương, lão hóa, xô lệch răng do mất răng lâu ngày gây ra.

Biện pháp ngăn ngừa tái phát tụt lợi chân răng

Tụt lợi có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng và thẩm mỹ. Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu, thậm chí gây rụng răng. Vì vậy, cần thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng để làm chậm lại hay ngăn chặn sự tiến triển của căn bệnh tụt lợi.

Lối sống lành mạnh luôn là ưu tiên hàng đầu để phòng các bệnh răng miệng: một chế độ dinh dưỡng cân bằng và từ bỏ thuốc lá có vai trò vô cùng quan trọng;

Cần chải răng ít nhất 2 lần/ngày sau bữa sáng và trước khi đi ngủ.

Lựa chọn bàn chải đánh răng có đầu cọ mềm vừa tránh gây tổn thương nước, vừa giúp làm sạch mảng bán thức ăn tốt hơn; Kết hợp sử dụng chỉ nha và nước súc miệng để có thể làm sạch cả các kẽ răng mà bàn chải khó chạm tới; Tốt nhất là nên tới nha sĩ kiểm tra răng 2 lần/năm và tuân thủ theo hướng dẫn của nha sĩ để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Theo suckhoedoisong.vn