Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2023 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức, diễn ra vào cuối tháng 7, Tiến sĩ – bác sĩ Trịnh Tú Tâm – Chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh và can thiệp điện quang - cho biết nhiều trường hợp đã được giảm đau thành công bằng các phương pháp tiên tiến.
Trừ ung thư xương thì rất nhiều loại ung thư làm bệnh nhân bị đau ngay từ giai đoạn sớm. Cơn đau trở thành mạn tính, khiến bệnh nhân suy sụp cả về sức khoẻ và tinh thần. Khi điều trị nội khoa để giảm đau thất bại thì bắt buộc phải can thiệp bằng cách khác.
Trong nhóm bệnh nhân ung thư được can thiệp giảm đau thành công phải kể đến nam bệnh nhân bị ung thư vòm họng tên là Đỗ Hoàng Dũng, 40 tuổi. Khi nhập viện, tế bào ung thư đã di căn. Can thiệp chậm trễ khiến khối u vỡ ra, bệnh nhân bị đau, co kéo hết nửa khuôn mặt. Đau đớn dai dẳng làm anh Dũng rơi vào trạng thái trầm cảm. Các bác sĩ đã quyết định dùng phương pháp tiêm cồn để phong bế thần kinh, giảm đau cho bệnh nhân. Sau quá trình can thiệp, anh Dũng đã hết đau, tinh thần lạc quan để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
Trường hợp khác là nam bệnh nhân tên Phạm Minh Đức, 50 tuổi, bị ung thư thực quản. Ông Đức đã được xạ trị, phục hồi chức năng để điều trị bệnh. Tuy nhiên, ung thư khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn, dù đã dùng rất nhiều loại thuốc giảm đau nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm. Ông Đức bị đau từ cổ lan xuống cánh tay phải. Với trường hợp này, ông Đức đã được can thiệp giảm đau bằng cách phong bế thần kinh ở cột sống. Sau can thiệp, bệnh nhân cải thiện hẳn, không còn vật vã vì đau nữa.
|
TS - BS Nguyễn Đình Luân - Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Chủ toạ phiên Điện quang can thiệp trong ung thư tại Hội nghị khoa học kỹ thuật 2023 |
Thêm một trường hợp ung thư được điều trị giảm đau thành công là một nam vận động viên bóng chuyền. Anh bị ung thư phổi bên trái, màng phổi bị tổn thương kèm tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân đã được giảm đau bằng phương pháp áp lạnh (chọc kim vào vị trí dưới liên sườn và bật hệ thống để gây bỏng lạnh ở điểm cần thiết).
Ngoài ra, một phụ nữ 50 tuổi, bị ung thư tuỵ xâm lấn vào vùng bụng (khoang sau phúc mạc). Nhờ được can thiệp bằng phương pháp tiêm cồn diệt đám rối mà cơn đau đã hết. Bệnh nhân cũng giảm được 60% lượng móc phin so với trước đó.
Tóm lại, theo bác sĩ Trịnh Tú Tâm, hiện nay các phương pháp tiên tiến để giảm đau cho bệnh nhân ung thư nhắm tới mục tiêu phá huỷ lớp vỏ dây thần kinh (cắt dẫn truyền từ phía ngoại vi về thần kinh trung ương). Thứ nhất là dùng cồn, thứ hai là dùng nhiệt. Dùng nhiệt được chia làm 2 loại là nhiệt nóng (sóng cao tần) và nhiệt lạnh. Trong một số ít trường hợp đường dẫn truyền này vẫn tái lập lớp vỏ khiến bệnh nhân đau trở lại. Tuy vậy, việc tiếp tục can thiệp cho họ vẫn đem lại hiệu quả. Có những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ tính bằng từng tháng thì cắt được cơn đau vài tháng cũng được xem là vô cùng lý tưởng.
Theo phụ nữ TPHCM