Phương pháp sử dụng vi khuẩn để trị bệnh này được gọi là liệu pháp vi khuẩn. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) đã áp dụng phương pháp này để thử nghiệm điều trị ung thư phổi Lewis, ung thư vú bộ ba âm tính, ung thư da hắc tố và ung thư tuyến tụy, theo trang tin EurekAlert (Mỹ).

Tiêm vi khuẩn bất hoạt vào khối ung thư có thể kích hoạt tế bào bạch cầu trung tính tấn công khối u

Tiêm vi khuẩn bất hoạt vào khối ung thư có thể kích hoạt tế bào bạch cầu trung tính tấn công khối u

SHUTTERSTOCK

Nhóm khoa học đã tiêm vi khuẩn vào khối u ung thư. Điều này gây ra tình trạng viêm cấp tính, từ đó kích hoạt tế bào bạch cầu trung tính tấn công khối u. Tế bào bạch cầu trung tính thuộc hệ miễn dịch, là tế bào phản ứng đầu tiên với tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Chúng có chức năng tấn công và tiêu diệt các vi khuẩn gây hại.

Dù tế bào bạch cầu trung tính có chức năng bảo vệ cơ thể trước bệnh tật nhưng ở bệnh nhân ung thư, loại tế bào này lại thường tạo điều kiện cho khối u ung thư phát triển. Nồng độ cao của tế bào bạch cầu trung tính trong máu thường liên quan đến việc điều trị kém hiệu quả. Một phần nguyên nhân là do tế bào bạch cầu trung tính tạo các phân tử ức chế các yếu tố khác của hệ miễn dịch, từ đó giúp bảo vệ khối u ung thư.

Các nhà nghiên cứu phát hiện tiêm vi khuẩn Staphylococcus aureus bất hoạt vào trong khối u sẽ đảo ngược cơ chế bảo vệ, đồng thời kích hoạt tế bào bạch cầu trung tính tiêu diệt khối u. Điều này đã xảy ra trong thử nghiệm trên động vật. Staphylococcus aureus còn có tên gọi là vi khuẩn tụ cầu vàng, là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây viêm da.

"Trong 2 thập kỷ qua, sử dụng hệ miễn dịch để tiêu diệt ung thư là một trong những đột phá lớn nhất trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch nhắm vào cải thiện chức năng tế bào T hiện tại sẽ không có tác dụng đối với một số loại ung thư",  tiến sĩ Tatyana Chtanova, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết.

Do đó, nhóm đã dùng một phương pháp khác là tiêm vi khuẩn bất hoạt vào khối u để kích hoạt tế bào bạch cầu trung tính. Nhờ vậy, loại tế bào bạch cầu này không chỉ tấn công khối u mà còn tạo ra các phân tử thu hút tế bào T tham gia.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học chỉ mới thử nghiệm trên tế bào ung thư nguyên phát, tức ung thư khởi phát lần đầu. Dự kiến trong 3 đến 5 năm tới, họ sẽ nghiên cứu trên tế bào ung thư di căn, tức đã lan đến những bộ phận khác và thực hiện nghiên cứu trên cơ thể người, theo EurekAlert.

Theo Thanh niên