Vịt hầm nước chanh rất tốt cho người bị đau đầu hoa mắt chóng mặt, kích ứng, sốt nóng, khát nước,...
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, vỏ, thân, lá, quả và hạt. Dùng tươi hay sấy khô.
Về thành phần hóa học, quả chanh có 13-24% vỏ quả, 23-95% dịch chanh, 13-38% chất bã, 5 - 7% hạt, tùy từng loài và thời điểm thu hái. Dịch chanh chứa 6,56 - 7,84% acid hữu cơ toàn phần (tính ra acid citric). Trong vỏ quả có pectin, tinh dầu có tỷ trọng 0,857 - 0,862 ở 15 độC.
Chanh có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng thường qua chế biến, hạn chế dùng dạng tươi sống. Nước chanh, ngoài tác dụng dinh dưỡng, giải khát, giải nhiệt còn có tác dụng an thai, kích thích tiết men tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột; giúp xúc tiến các quá trình tiêu hóa hấp thu, phòng và loại bỏ các sắc tố dưới da, phòng ngừa cặn lắng tạo sỏi hệ tiết niệu. Ngoài ra, acid citric còn có thể kết hợp với Ca++ thành hợp chất hòa tan làm chậm quá trình đông máu, thuận lợi dự phòng bệnh cao huyết áp và nhồi máu cơ tim. Các hợp chất flavonoid trong chanh có tác dụng kháng viêm.
Theo Đông y, chanh vị chua ngọt, tính bình; vào vị, can, phế. Tác dụng thanh nhiệt giải thử, sinh tân, chỉ khát, trừ thấp, an thai. Dùng trong các trường hợp thử nhiệt phiền khát (cảm nắng, mất nước, khát nước, vật vã kích động); vị nhiệt miệng khát, ăn kém, nhiễm độc thai nghén nôn ói, tăng huyết áp, bạch điến, lang ben. Liều dùng và cách dùng: ngày dùng 50 - 100g; có thể vắt nước hoặc ướp đường, nấu, xào, om, rang nướng.
Một số bài thuốc dùng chanh
Chữa ho khan, mất tiếng: vỏ rễ chanh 15g, vỏ rễ dâu 15g, rễ cây bươm bướm 15g. Sắc nước uống.
Chữa ho gà: lá chanh 4g, lá táo 4g, rễ cỏ gà 4g, vỏ quýt 1g, vỏ quả trứng gà 1 vỏ. Sắc lấy nước uống
Chữa ho ở trẻ em: hạt chanh 20 hạt, hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, nước 20 ml. Giã nhỏ, thêm ít mật ong, hấp cơm, gạn nước uống 3 lần trong ngày.
Chữa nôn ọe: quả chanh cắt thành miếng, thêm vài hạt muối, ngậm và nuốt nước dần.
5 thực đơn chữa bệnh có chanh
Thực đơn thích hợp cho người bị đau đầu hoa mắt chóng mặt, kích ứng, sốt nóng, khát nước, môi họng khô (âm hư dương cang huyễn vững phiền khát). Dùng món vịt hầm nước chanh: thịt vịt 200g, dứa tươi cắt lát 150g, bột gạo vừa đủ, giấm, dầu vừng, nước chanh 90g. Thịt vịt chặt miếng, ướp nước chanh, tẩm bột gạo, cho lên chảo chiên nhỏ lửa cho chín phồng; sau đó cho gia vị, giấm, dầu vừng, xào lại, cho dứa vào, đun chín.
Thực đơn tốt cho người bị ho khan do viêm khí phế quản, ăn kém, đầy bụng, chậm tiêu. Dùng món gà ướp chanh quay (Ninh mông chấp úy kê): gà 1 con, chanh 1 quả, đường trắng 1 thìa, dầu vừng 1 thìa, muối ăn vừa đủ. Gà làm sạch, chặt miếng; chanh vắt lấy nước bỏ hạt, cùng đường, dầu và muối để ướp thịt gà trong 20 phút. Cho gà vào nồi, đun to lửa cho chín tái, sau đun nhỏ lửa cho chín nục.
Thức uống tác dụng chống nắng, chống nóng, giải khát: chanh vắt lấy nước, thêm nước nguội, có thể thêm đường hay muối vừa đủ.
Thực đơn cho người bị lợm giọng, buồn nôn, nôn ói, nóng rát vùng thượng vị dùng bài chanh ướp muối đường: chanh tươi, bóc bỏ vỏ, bỏ hạt, dầm nát, thêm chút muối hoặc đường tùy ý, ngậm ít một.
Thực đơn cho người bị sốt nóng, viêm họng, viêm thanh phế quản, đờm đặc, ho khan, khản giọng. Dùng bài chanh ướp muối: quả chanh bóc vỏ, bỏ hột, ướp muối khoảng 12 tiếng. Ăn hay ngậm tùy ý.
Kiêng kỵ: Người bị loét dạ dày - tá tràng chưa ổn định, đa toan không dùng chanh.
Theo suckhoedoisong