1. Đặc điểm của cây trám
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, trám còn gọi là cảm lãm, trám trắng, cà na, thanh quả, can thanh quả…
Tên khoa học Canarium album (Lour) Racush (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.). Thuộc họ Trám Burseraceae.
Thanh quả (Fructus Canarii) là quả trám trắng chín phơi hay sấy khô.
Trám trắng là một cây cao từ 12-15m, thân mọc thẳng đứng, đường kính đạt tới 0,4 - 0,6m. Quả hình thoi, hai đầu tù, dài 45mm, rộng 20-25mm, hạch cứng nhẵn, hình thoi với hai đầu nhọn, trong có 3 ngăn.
Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 8-10.
Cây trám trắng.
Cây trám mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta. Tại Trung Quốc, trám trắng được trồng ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến. Thường người ta lấy quả, vào tháng 9-10, quả chín, hái về phơi khô trong mát là được.
Ngoài việc khai thác quả, nhân dân ta còn khai thác nhựa trám để làm hương thắp và để cất tinh dầu.
Trong quả trám có protid, lipid, hydrat cacbon, canxi, phosphor, sắt và vitamin C (theo kết quả phân tích của Viện vệ sinh Trung Quốc, 1975).
Trong nhân quả trám có 50 - 65% chất dầu béo.
Cây trám đen.
2. Công dụng và liều dùng
Quả trám trắng chỉ mới thấy dùng trong nhân dân. Tính chất chữa bệnh của trám ghi trong các tài liệu đông y cổ: Vị chua ngọt, chát, tính ôn, không độc, vào hai kinh phế, lợi yết hầu sinh tân chỉ khát, giải độc, là thuốc chữa yết hầu sưng đau, hòa hoãn tư bổ, có thể giải được say rượu, nọc cá độc, nọc con dải, còn dùng chữa cổ họng sưng đau, ho nhiều đờm.
Ngày dùng 2 đến 3 quả hoặc có thể hơn.
Nhựa trám dùng cất tinh dầu dùng trong kỹ nghệ nước hoa. Trong nhân dân dùng nhựa trám trộn với thân đậu tương làm hương thơm thắp khi cúng bái ngày lễ.
Trám kho món ăn ngon, bổ dưỡng.
3. Đơn thuốc có trám trong nhân dân
- Chữa ngộ độc do ăn phải cá độc: 3 quả trám sắc lấy nước uống.
- Cao quả trám chữa cổ họng sưng đau nhiều đờm: Quả trám bóc bỏ hột (100g), thêm nước nấu đặc thành cao lỏng, sau thêm 50g phèn chua cô đặc lại lần nữa.
Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 2-3g chữa cổ họng sưng đau nhiều đờm.
Trám muối.
4. Một số món ăn - bài thuốc chữa bệnh có trám
TS. Nguyễn Đức Quang – Nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội giới thiệu một số món ăn bài thuốc chữa bệnh có trám:
Cháo trám vừng: Vừng đen 30g, trám quả 20g, bạch truật 15g, đào nhân 5g, mật ong 20g, gạo tẻ 60g.
Đào nhân bóc bỏ vỏ và tâm. Đem bạch truật và trám nấu lấy nước. Lấy nước sắc được nấu cháo với gạo tẻ, vừng đen và đào nhân, khi cháo được cho thêm mật ong, khuấy đều. Ngày ăn 1 - 2 lần. Dùng mỗi đợt 7 - 20 ngày.
Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản ho khan ít đờm, đau sưng họng.
Si-rô trám củ cải: Trám 20g, củ cải 500g, rau mùi 30g.
Củ cải thái lát thêm nước nấu với trám, sau thêm rau mùi, đường trắng (hoặc chút muối, khuấy đều, gạn lấy nước cho uống). Ngày sắc 1 lần, chia uống nhiều lần trong ngày.
Dùng cho các trường hợp sởi, thủy đậu thời kỳ nổi ban, sốt phát ban...
Thanh quả lô căn ẩm: Quả trám 10g, rễ sậy (lô căn) 30g.
Trám đập vụn cùng rễ sậy đem sắc trong 30 phút. Dùng cho các trường hợp cảm nóng, cảm nắng, sốt nóng đau đầu, đau sưng họng, ho khan ít đờm.
Nước sắc trám mạch môn: Trám 30g, mạch môn 10g, huyền sâm 15g, cam thảo 6g.
Cả 4 vị thuốc đều thái vụn, chia nhiều ấm nhỏ hãm cho uống trong ngày. Dùng liên tục một đợt 7 - 20 ngày.
Hỗ trợ chữa trường hợp viêm họng, viêm khí phế quản mạn tính, ho có đờm, đau sưng họng.
Theo suckhoedoisong.vn