"Ngày càng khó khẳng định vaccine AstraZeneca không phải nguyên nhân gây ra các trường hợp đông máu và giảm tiểu cầu hiếm gặp", Il Messagero dẫn lời Cavaleri hôm 6/4.
Sau phát biểu của Cavaleri, giáo sư Neil Ferguson, Đại học Hoàng gia London cũng cho rằng rủi ro hiếm gặp khi tiêm vaccine AstraZeneca liên quan đến độ tuổi, giới tính của người dùng.
"Với dữ liệu hiện tại, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng đông máu và giảm tiểu cầu liên quan đến vaccine AstraZeneca. Song nó cũng có thể liên quan đến những loại vaccine khác, ở mức độ thấp hơn", ông nói thêm.
Giáo sư Ferguson cho biết Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) đang ráo riết điều tra về tình trạng này.
Trước đó, Pal Andre Holme, người đứng đầu một nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Quốc gia Oslo, Na Uy, nhận định: "Chúng ta không cần phải suy đoán thêm nữa. Tất cả triệu chứng đều xuất hiện từ ba đến 10 ngày sau khi tiêm phòng. Ngoài vaccine ra, không còn yếu tố nào khác".
Cơ quan Dược phẩm Na Uy cũng ủng hộ ý kiến trên. Steinar Madsen, một trong những giám đốc điều hành, cho biết bệnh có thể liên quan tới vaccine. Cơ quan Dược phẩm Pháp (ANSM) thì cho rằng vaccine có "nguy cơ nhỏ" gây huyết khối tĩnh mạch sâu.
Tuy nhiên, trong thông báo chiều 6/4, EMA khẳng định chưa có kết luận chính thức về việc liệu vaccine AstraZeneca có phải nguyên nhân gây đông máu, giảm tiểu cầu hay không. Cơ quan dự kiến cập nhật thông tin trong một đến hai ngày tới.
Một người đàn ông Đức được tiêm vaccine AstraZeneca ngày 6/4. Ảnh: AP.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/4 cho rằng lợi ích của vaccine AstraZeneca vượt qua rủi ro. Theo WHO, không có lý do gì để thay đổi đánh giá liên quan đến sản phẩm. Các chuyên gia của tổ chức này đang phối hợp với EMA để nghiên cứu chặt chẽ dữ liệu mới nhất dựa trên báo cáo về tình trạng đông máu ở người đã tiêm chủng.
"Chúng tôi tiếp tục ghi nhận các ca giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch hiếm gặp. Những trường hợp này sẽ được phân loại dựa trên nhiều yếu tố như chẩn đoán của bác sĩ, nhân khẩu học (tuổi tác, giới tính) và việc phân phối vaccine giữa các nhóm nhân khẩu đó", ông Rogerio Gaspar, giám đốc bộ phận đánh giá và phê duyệt của WHO, nói.
Giám đốc điều hành MHRA cũng nhận định người dân vẫn nên tiêm vaccine.
Dù vậy, ngày 6/4, Đại học Oxford và hãng AstraZeneca quyết định ngừng thử nghiệm vaccine trên trẻ em trong khi chờ đợi thêm thông tin. Phát ngôn viên của Oxford cho biết không có vấn đề phát sinh trong thử nghiệm, song lo ngại về tình trạng đông máu đang gây tranh cãi ở Anh và châu Âu.
Động thái này bị coi như bước lùi của vaccine Oxford-AstraZeneca, vốn đã vấp phải nhiều nghi ngại về hiệu quả, tác dụng phụ ngay cả khi hàng chục triệu liều đã được 70 nước sử dụng.
Đầu tháng 4, Đức khuyến cáo chỉ những người từ 60 tuổi trở lên mới nên tiêm vaccine AstraZeneca do tác dụng phụ về huyết khối tĩnh mạch hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Ủy ban Vaccine nước này cũng cho biết người dưới 60 tuổi đã tiêm liều đầu tiên vaccine Covid-19 của AstraZeneca nên chọn sản phẩm khác để tiêm liều thứ hai.
Hồi tháng 3, hơn 10 quốc gia, trong đó có Đức, Pháp, Italy đã đình chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca do lo ngại về chứng đông máu. Hầu hết các nước khởi động lại chương trình tiêm chủng ngày 19/3, sau khi EMA tuyên bố sản phẩm an toàn và hiệu quả. Một số nước giới hạn lại độ tuổi sử dụng vaccine.
Theo các chuyên gia, bất cứ hoài nghi nào phát sinh với vaccine AstraZeneca trong thời gian tới sẽ gây trở ngại cho chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu và toàn thế giới. Sản phẩm có vai trò mấu chốt trong chiến lược toàn cầu nhằm phân phối vaccine đến các nước thu nhập thấp. Các liều tiêm AstraZeneca rẻ, dễ bảo quản hơn so với Pfizer và Moderna.
Việc hàng loạt quốc gia đình chỉ vaccine hồi tháng 3 làm lung lay niềm tin của công chúng. Một cuộc thăm dò của tờ Elabe hồi tháng 3 cho thấy chỉ 22% dân số Pháp tin dùng vaccine AstraZeneca. Michael Head, chuyên gia nghiên cứu về Y tế toàn cầu tại Đại học Southampton, Anh, cho biết thêm: "Nỗi sợ hãi kiểu này có thể khiến họ do dự với vaccine".
Theo vnexpress