Chửa trứng có mấy loại?
BSCKI Hà Bích Vân, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội Cơ sở 2 cho biết bệnh nhân trên bị chửa trứng sau khi đình chỉ thai 1 tháng. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chỉ định hút buồng tử cung và xét nghiệm giải phẫu bệnh. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị trong những tháng tiếp theo để tránh nguy cơ ung thư nguyên bào nuôi.
Theo bác sĩ, chửa trứng có 2 loại là chửa trứng toàn phần và chửa trứng bán phần. Chửa trứng bán phần là một tổ chức thai hoặc một phần thai, phôi thai bất thường, màng ối, thai có thể còn sống hoặc đã chết và các gai rau bệnh lý. Chửa trứng toàn phần bao gồm toàn bộ các rau gai bệnh lý.
Rau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng các bài thai trong thời kỳ thai nghén. Khi rau thai sinh sản quá mức, phát triển thành khối không kiểm soát được sẽ tạo thành các nang trông như các chùm nho hoặc quả trứng nên được gọi là chửa trứng.
Khi bị chửa trứng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng, nhiễm độc, băng huyết, ung thư nguyên bào…
Người bị chửa trứng cũng có biểu hiện mang thai giống như những trường hợp mang thai bình thường khác. Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây chửa trứng là gì?
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Chỉ mới đư ra được một vài yếu tố ảnh hưởng như:
Sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể. Khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% từ người mẹ.
Phụ nữ có thai nhiều lần, hoặc có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, hoặc đã có những bất thường ở dạ con.
Thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi.
Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic vitamin A...
Chửa trứng đa số là lành tính, tuy nhiên trong quá trình tiến triển của chửa trứng dễ xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm: băng huyết, xâm lấn gây thủng tử cung, ung thư…
Dấu hiệu nhận biết chửa trứng
- Tắt kinh: Ban đầu, người bị chửa trứng cũng có biểu hiện mang thai giống như những trường hợp mang thai bình thường khác: tắt kinh, bụng to nhanh, không thấy thai máy.
- Nghén nặng: Người chửa trứng thường nghén rất nặng, nôn nhiều, ăn vào lại nôn, đôi khi phù và có protein niệu. Một số trường hợp còn bị phù và tăng huyết áp.
- Ra máu âm đạo: Hay xảy ra từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 16 của thai kỳ. Máu đen hoặc đỏ loãng, ra máu kéo dài. Do mất máu nên thai phụ mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt.
- Tử cung không tương xứng tuổi thai: Tử cung của người chửa trứng to không tương xứng với tuổi thai, có trường hợp chửa trứng mới 2-3 tháng mà tử cung đã to như người có thai bình thường 5-6 tháng.
- Không thấy thai máy: Khi sờ nắn bụng thai phụ thì thấy mềm và không thấy khối thai, nếu làm siêu âm thì không thấy âm vang thai mà chỉ thấy hình ảnh của các túi dịch.
Mặt khác, các biểu hiện của chửa trứng rất đa dạng, dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung… Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh phải khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp Xquang bụng…
Chửa trứng có 2 loại là chửa trứng toàn phần và chửa trứng bán phần. Ảnh minh họa
Cách điều trị chửa trứng
- Nạo hút thai trứng sớm: Cần phải nạo hút thai trứng sớm để phòng sẩy thai gây băng huyết. Sau 2 – 3 ngày lại phải nạo lại lần thứ hai và sau nạo phải dùng kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn.
- Cắt tử cung với phụ nữ không muốn sinh con nữa: Cắt tử cung toàn phần cả khối hoặc cắt tử cung toàn phần sau nạo hút trứng thường được áp dụng ở các phụ nữ không muốn có con nữa hoặc trên 40 tuổi và trường hợp chửa trứng xâm lấn làm thủng tử cung. Mục đích của cắt tử cung là làm giảm nguy cơ biến chứng thành bệnh ung thư tế bào nuôi.
- Theo dõi ngoại trú sau nạo hút: Sau khi nạo thai trứng thì bệnh nhân phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu 2 tuần/lần cho đến khi lượng HCG trở về bình thường. Khi HCG đã về mức cho phép, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thử nước tiểu 4 tuần/lần trong thời gian 6 tháng, cùng với việc làm các xét nghiệm khác và siêu âm nếu cần. Mục đích là để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng của chửa trứng.
Sau bao lâu mới được có thai lại?
Trong 2 năm tiếp theo cần theo dõi tiếp chỉ số này để đảm bảo thai trứng đã được loại bỏ hoàn toàn. Trong thời gian theo dõi, bệnh nhân không được có thai, chỉ sau hai năm theo dõi mà không thấy có biến chứng gì thì mới nên có thai lại. Và lần có thai sau thời hạn hai năm này cũng phải được khám và theo dõi chặt chẽ.
Theo suckhoedoisong.vn