Nguyên nhân khiến răng bị ê buốt

Như chúng ta thấy bình thường, răng sẽ có một lớp men bao bọc và bảo vệ ngà răng. Nếu lớp men răng này bị hỏng, ngà răng sẽ tiếp xúc trực tiếp với những thực phẩm khi ăn uống, từ đó khiến răng nhạy cảm hơn và người bệnh phải đối mặt với tình trạng đau buốt, răng lung lay.

Một số nguyên nhân cụ thể khiến răng trở nên ngày càng nhạy cảm và dễ đau buốt có thể kể đến như:

- Do sâu răng

Sâu răng là bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng ê buốt răng. Vi khuẩn tồn tại ở những mảng bám theo thời gian sẽ làm bào mòn, làm hỏng men răng, lâu dài sẽ lây dần sang ngà răng và tủy răng. Vì thế mà khi bạn ăn uống thức ăn có tính acid hoặc nhiệt độ nóng – lạnh sẽ cảm thấy ê buốt.

Răng bị ê buốt phải làm sao?- Ảnh 1.

Sâu răng là bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng ê buốt răng.

- Do viêm lợi

Viêm lợi là tình trạng lợi bị tổn thương, thậm chí bị teo lại làm lộ cổ chân răng. Lúc này răng sẽ trở nên nhạy cảm và dễ bị ê buốt khi vệ sinh răng miệng, khiến bạn ăn uống khó khăn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe toàn thân.

- Do viêm tủy răng

Viêm tủy là bệnh lý mà phần mô tủy bên trong bị vi khuẩn xâm nhập do răng bị sâu, nứt vỡ, nhiễm trùng,… Với bệnh lý này thì tình trạng ê buốt có thể trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí không có những tác nhân gây kích thích thì vẫn sẽ cảm thấy ê buốt, đau nhức lên đến tận óc.

- Do chải răng sai cách

Thông thường các bác sĩ sẽ khuyến cáo chải răng tối thiểu 2 lần/ngày để bảo vệ răng. Và chải răng đúng cách cùng với bàn chải mềm. Tuy vậy, nhiều người chỉ đánh răng qua loa cho xong nên chưa làm sạch răng miệng hoàn toàn hoặc một số người khác lại đánh răng quá kỹ, quá mạnh, dùng bàn chải cứng nên khiến cho lớp men răng bị bào mòn và răng trở nên nhạy cảm hơn.

- Do chế độ ăn uống nhiều acid

Nhiều người thích ăn đồ chua nhất là các thực phẩm chứa nhiều acid như chanh chua, dưa chua và các loại thức ăn chua khác cũng như uống nước ngọt có gas có thể làm mài mòn men răng, phân hủy bề mặt răng, dẫn tới lộ ngà là nguyên nhân ê buốt răng.

Việc sử dụng nước súc miệng có tác dụng sát khuẩn, giúp hơi thở thơm tho hơn nhưng đối với những trường hợp men răng đã bị hỏng thì đây lại là một con dao hai lưỡi vì có chứa acid… cũng có thể dẫn đến tình trạng ê buốt răng.

- Do thói quen nghiến răng

Nhiều người mắc thói quen nghiến răng khi ngủ điều này có thể dẫn đến mòn răng. Lâu dần, ảnh hưởng đến men răng và làm cho răng trở nên ngày càng nhạy cảm hơn.

- Do tẩy trắng răng hoặc các thủ thuật nha khoa khác

Nhiều người tìm mọi cách để răng trắng nên đã sử dụng các biện pháp tẩy trắng răng tại nhà, tẩy trắng răng theo mách bảo hoặc đến các cơ sở không đảm bảo kỹ thuật khiến cho răng bị tổn thương gây ê buốt răng.

Trên thực tế các việc thực hiện tẩy trắng răng và làm các thủ thuật nha khoa tại những cơ sở chất lượng kém có thể làm tổn thương răng, khiến ê buốt răng. Do đó, trước khi thực hiện bất kỳ một thủ thuật nha khoa nào thì bạn cũng nên lựa chọn bác sĩ, cơ sở uy tín để thăm khám trước. Đồng thời, trong quá trình thực hiện thì cần tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ đưa ra.

Răng bị ê buốt phải làm sao?- Ảnh 2.

Lưu ý khi sử dụng đồ uống có ga vì sẽ làm cho răng nhạy cảm hơn.

Răng bị ê buốt chữa thế nào?

Để giảm ê buốt răng nên súc miệng bằng nước muối bởi thành phần kháng viêm, kháng khuẩn. Bên cạnh việc đánh răng hàng ngày, hãy kết hợp súc miệng bằng nước muối 2-3 lần/ngày và thực hiện đều đặn khoảng 2 tuần sẽ thấy tình trạng ê buốt thuyên giảm đáng kể.

Tốt nhất nên vệ sinh răng miệng với nước ấm 30-40 độ C, để hạn chế ê buốt răng. Cần sử dụng bàn chải có lông mềm, chải răng ở góc 45 độ với đường nướu theo chiều dọc nhẹ nhàng, giúp giữ được men răng luôn sạch và khỏe mạnh. Ngoài ra, sau mỗi bữa ăn, bạn có thể dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám thức ăn thừa.

Nếu tình trạng ê buốt không đỡ người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ tìm ra phương án điều trị phù hợp nhất với tình trạng của mỗi người.

Có thể bác sĩ sẽ lấy cao răng, vệ sinh sạch sẽ và chỉ định dùng thuốc kháng sinh chống viêm để điều trị dứt điểm viêm nướu.

Với những trường hợp sâu răng, mòn men răng, nứt răng,… cần thực hiện trám răng để phục hồi men răng, loại bỏ ê buốt. Nếu trường hợp răng sâu đến tủy thì cần phải điều trị tủy thì mới giảm được tình trạng ê buốt và bảo tồn răng thật. Sau khi điều trị tủy, người bệnh có thể trám răng hoặc bọc sứ để bảo vệ răng được tốt nhất.

Tóm lại: Ê buốt răng là vấn đề thường gặp, bệnh không đơn giản chỉ khiến người bệnh phải từ bỏ những món ăn, đồ uống yêu thích của bản thân, mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng và việc bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Chính vì vậy, để phòng ngừa ê buốt răng thì cần chú ý chăm sóc răng miệng, khám răng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các vấn đề bất thường và có hướng can thiệp kịp thời, tránh trường hợp gặp phải các biến chứng không mong muốn. 

Theo suckhoedoisong.vn