Hôi miệng dai dẳng: Theo The Healthy, hôi miệng có thể do nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng gây ra. Nếu đã vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách mà bạn vẫn cảm thấy hôi miệng, đó có thể là triệu chứng của căn bệnh tiềm ẩn, từ nhiễm trùng đến rối loạn chuyển hóa, bao gồm cả tiểu đường, trào ngược dạ dày thực quản, thậm chí là bệnh về gan, tim mạch. Ảnh: Adobe.
Khô miệng: Thường xuyên cảm thấy khô miệng, kèm theo cảm giác dính dính, có thể là triệu chứng sớm nhất của bệnh tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao. Bên cạnh đó, khô niêm mạc, khô miệng là một trong những triệu chứng chính của hội chứng Sjogren - bệnh tự miễn tấn công các tuyến tạo ra độ ẩm. Ảnh: Thehealthysmile.
Nướu đỏ, viêm hoặc chảy máu: Nguyên nhân phổ biến gây tình trạng này là bệnh nướu răng - do các mảng bám tích tụ, gây kích ứng và viêm nướu. Bệnh nên được điều trị sớm, nếu để nặng hơn có thể phải phẫu thuật. Ngoài ra, theo tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, một số căn bệnh tiềm ẩn có biểu hiện ban đầu là chảy máu nướu răng bao gồm tiểu đường, ung thư bạch cầu. Ảnh: Sleepdentistrymelbourne.
Răng lung lay, tụt lợi: Theo Reader's Digest, răng lung lay và tụt lợi chân răng có thể là dấu hiệu của bệnh nướu răng ở giai đoạn nặng hơn. Ngoài ra, tình trạng này cũng cảnh báo nguy cơ giảm mật độ xương - một trong những nguyên nhân gây loãng xương. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), phụ nữ bị loãng xương có nguy cơ bị rụng răng cao gấp 3 lần những người không mắc bệnh. Ảnh: Shutterstock.
Áp xe răng: Chứng áp xe răng xuất hiện là do ổ mủ nhiễm trùng gây ra, thường đến từ vi khuẩn ở phần trong của răng. Tình trạng bệnh này nếu không được chữa trị từ sớm sẽ làm thủng, vỡ răng và tạo điều kiện cho vi khuẩn đi sâu vào trong răng. Ở thể nặng, vi khuẩn từ răng bị áp xe có thể lây lan đến não, dẫn đến tử vong. Một vài triệu chứng giúp bạn nhận biết chứng bệnh này là nhạy cảm khi ăn uống, đặc biệt là với đồ nóng hoặc lạnh, sưng hạch bạch huyết, sốt cao... Ảnh: Franklindentalsupply.
Răng tê: Cảm giác răng tê hoặc mất cảm giác có thể là dấu hiệu cần điều trị tủy. Một chiếc răng bị nứt hoặc có lỗ sâu lớn và dây thần kinh bị chết có thể khiến bạn cảm thấy tê răng. Ngoài ra, tổn thương răng, cắn vào vật cứng, nghiến răng hoặc chết răng do sâu răng đều có thể khiến răng bị tê. Ảnh: Idental.
Răng có vết nứt, gãy: Thông thường, trường hợp răng bị nứt, gãy có thể là do bạn gặp chấn thương hoặc cắn đồ ăn quá cứng. Ngoài ra, đây cũng có thể là do các bệnh về tiêu hóa gây ra. Ở những người mắc chứng ợ nóng hoặc trào ngược axit, men răng dễ bị mài mòn và yếu hơn. Do đó, chỉ một va chạm nhỏ khi nhai cũng có thể tác động và khiến răng của bạn xuất hiện các vết nứt, gãy. Ảnh: Dentistahmed.
Theo lifestyle.znews