Hơn 42% ca nhiễm mới là nam quan hệ tình dục đồng giới
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 9 tháng năm nay, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới có HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%). Có tỷ lệ cao nhất (42,2%) trong số các ca nhiễm mới là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Theo chia sẻ của một số bác sĩ làm công tác tư vấn, điều trị HIV/AIDS tại một số tỉnh, thành phía nam, có xu hướng gia tăng nhiễm HIV ở người trẻ và là MSM. Nhiều người nhiễm HIV vẫn rất e ngại để lộ danh tính. "Có trường hợp, em trai 17 tuổi, khi có xét nghiệm dương tính thì rất lo lắng. Em không dám cho gia đình biết và thậm chí cắt cả liên lạc với nhân viên y tế", một bác sĩ cho hay.
Cũng theo bác sĩ này, trong các tình huống như vậy, các cộng tác viên phòng, chống HIV/AIDS là thành viên của các nhóm MSM sẽ là người tiếp cận, tư vấn, động viên người nhiễm trở lại các cơ sở y tế để các bác sĩ tư vấn về xét nghiệm, điều trị, theo dõi sức khỏe.
Hiện các thuốc cho người nhiễm được cấp miễn phí từ nguồn hỗ trợ dự án, hoặc từ bảo hiểm y tế. Tuân thủ điều trị có hiệu quả rất tốt, người nhiễm hoàn toàn khỏe mạnh, học tập, làm việc bình thường.
Điều trị để dự phòng
Trước thực tế chưa có vắc xin phòng HIV, nhưng các chuyên gia cho biết, HIV dự phòng được bằng cách "lấy điều trị để dự phòng", là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) người có nguy cơ cao nhưng chưa bị nhiễm HIV (PrEP). PrEP có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV tới trên 90%.
Theo Cục trưởng cục Phòng chống HIV/AIDS, ngay sau khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về hiệu quả của PrEP, Việt Nam đã triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ PrEP tại Hà Nội và TP.HCM.
Với sự hỗ trợ từ các dự án PEPFAR và Quỹ Toàn cầu, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành với hơn 200 cơ sở cung cấp dịch vụ này.
Trong giai đoạn 2020 - 2024, cả nước đã có 111.159 người sử dụng PrEP ít nhất một lần và tỷ lệ duy trì điều trị từ 3 tháng trở lên đạt hơn 70%. Chương trình PrEP đã giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, đặc biệt trong cộng đồng MSM; số lượng người sử dụng PrEP ngày càng tăng.
PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Với hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV tới trên 90%, PrEP là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV rất hiệu quả.
"Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" là chủ đề được Việt Nam lựa chọn trong tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; và ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1.12) năm nay.
Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc đảm bảo các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.
Bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.
|