leftcenterrightdel
 Một phụ nữ đang thực hành hô hấp nhân tạo cho “nạn nhân” cùng giới – Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu của nhóm bác sĩ từ Montréal, Canada được công bố trên tạp chí y khoa Lancet cho thấy, người ngoài cuộc ít có khả năng thực hiện hô hấp nhân tạo cho những phụ nữ bị ngừng tim ở nơi công cộng hơn so với đàn ông, khiến nhiều phụ nữ lỡ mất cơ hội được cứu chữa dẫn đến tử vong, theo bài báo của South China Morning Post ngày 18/9.

Có nhiều phương pháp hô hấp nhân tạo, phương pháp được đề cập trong nghiên cứu nói trên là hình thức phổ biến nhất: hà hơi thổi ngạt kết hợp xoa bóp tim ngoài lồng ngực (CPR). Người sơ cứu giúp nạn nhân bị ngừng tim hô hấp bằng miệng, đồng thời ép ngực cho đến khi nhân viên y tế đến.

Nhóm bác sĩ của Bệnh viện Sacre-Coeur ở thành phố Montréal, Canada cho biết, họ thực hiện nghiên cứu để tìm hiểu cách những người ngoài cuộc thực hiện quy trình CPR với nạn nhân nam và nữ khác nhau như thế nào.

Bác sĩ Alexis Cournoyer, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết rằng ông và các đồng nghiệp đã xem xét khoảng 40.000 hồ sơ về các ca ngừng tim bên ngoài bệnh viện, xảy ra ở Hoa Kỳ và Canada từ năm 2005 đến năm 2015.

Số liệu từ nghiên cứu cho thấy, 54% bệnh nhân được làm CPR bởi người ngoài cuộc. Đối với những trường hợp ngừng tim ở nơi công cộng, thường là trên đường phố, 61% phụ nữ được người qua đường thực hiện CPR, tỉ lệ thấp hơn hẳn so với 68% ở nam giới.

Ông Cournoyer cho biết: “Khoảng cách giữa 2 giới chắc chắn làm tăng tỷ lệ tử vong ở phụ nữ sau khi bị ngừng tim”. Theo vị bác sĩ cấp cứu, lý do chính cho hiện tượng này là mọi người không thoải mái khi chạm vào ngực phụ nữ ở nơi công cộng mà không được sự đồng ý.

Các đồng nghiệp của ông Cournoyer đã xem xét liệu tuổi tác của nạn nhân có ảnh hưởng gì không, thực tế không phải vậy: phụ nữ ít có khả năng nhận được CPR hơn nam giới từ người ngoài cuộc bất kỳ, bất kể tuổi tác lớn nhỏ của nạn nhân, theo dữ liệu trong nghiên cứu.

Bác sĩ Cournoyer cho biết thêm, một khả năng khác là “rào cản nhận biết” về triệu chứng ngừng tim giữa 2 giới. Trước khi bị ngừng tim, đàn ông thường bị đau ngực, triệu chứng thường được mô tả trên truyền thông đại chúng, nên người xung quanh có thể biết họ cần được làm CPR, trong khi phụ nữ hay bị khó thở hơn.

Ông Cournoyer chia sẻ, nhóm nghiên cứu vẫn cần phân tích sâu hơn để làm sáng tỏ khoảng cách nam nữ, đặc biệt về dữ liệu giới tính của những người qua đường thực hiện CPR cho nạn nhân họ không quen biết. Kết quả nghiên cứu hiện tại sẽ được trình bày tại Đại hội Y học Cấp cứu châu Âu 2023 ở Barcelona, Tây Ban Nha.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, các cơn đau tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với hơn 350.000 ca xảy ra chỉ riêng ở Mỹ mỗi năm, chỉ có khoảng 10% nạn nhân bị ngừng tim đột ngột bên ngoài bệnh viện có thể sống sót.

Theo phụ nữ TPHCM