Vị thành niên chiếm khoảng 14,5% dân số Việt Nam, tương đương với gần 14 triệu người từ 10-19 tuổi. Mặc dù độ tuổi vị thành niên thường được coi là một giai đoạn khỏe mạnh của cuộc đời, nhưng rối loạn tâm thần là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở vị thành niên trên toàn cầu và có thể gây ra những hậu quả xã hội và sức khỏe ngắn hạn và dài hạn.

Kết quả nghiên cứu "Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam" do Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy: Trong 12 tháng qua, 21,7% số trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó 3,3% đáp ứng các tiêu chí đối với một rối loạn. Phổ biến nhất là lo lắng (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%).

Mặc dù vậy, chỉ có 8,4% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

photo-1671528508734

Rất ít trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh - Viện trưởng Viện Xã hội học, Giám đốc Dự án "Điều tra sức khoẻ tâm thần vị thành niên Việt Nam", tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ngoài 27% vị thành niên báo cáo có vấn đề về sức khoẻ tâm thần trong 12 tháng qua, có 1,4% trẻ vị thành niên cho biết có ý định tự tử. Nếu so với những nghiên cứu trước đây thì tỷ lệ chung của các hành vi tự tử và tự làm hại bản thân được tìm thấy trong nghiên cứu này thấp hơn một chút.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh cũng cho biết, sức khoẻ tâm thần là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng đòi hỏi sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và sáng lập kế hoạch ở Việt Nam. Dữ liệu từ nghiên cứu cũng cung cấp cơ sở bằng chứng cơ bản cho các sáng kiến về chính sách và sức khoẻ.

"Mặc dù tỷ lệ có hành vi tự tử ở vị thành niên được ghi nhận là thấp, nhưng báo cáo vẫn kêu gọi sự quan tâm về mặt chính sách và các hành động cần thiết. Các dịch vụ hỗ trợ và phát hiện sớm người có ý định tự tử có thể giúp hạn chế tình trạng này", PGS.TS Nguyễn Đức Vinh cho biết thêm.

Theo suckhoedoisong.vn