BS-CKI. Nguyễn Trần Như Thủy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết theo ghi nhận từ Viện Dinh dưỡng Việt Nam, các hoạt chất sinh học trong rau củ màu trắng có đặc tính chống vi rút và vi khuẩn, giảm nguy cơ huyết áp cao, giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch, chống viêm nhiễm kéo dài.
"Trong Đông y, màu trắng thuộc hành kim. Trong ngũ tạng lục phủ của cơ thể thì tạng phế và phủ đại trường cũng thuộc hành kim, nên việc sử dụng các loại rau củ có màu trắng mang tác dụng bồi bổ thêm chức năng cho hai tạng phủ này", BS-CKI Như Thủy thông tin thêm.
Dưới đây là một số loại rau củ màu trắng khá quen thuộc cùng với những lợi ích cho sức khỏe mà bạn có thể chưa biết.
1. Củ hành tây
Theo BS-CKI Như Thủy, hành tây có đặc tính kháng khuẩn. Khi ăn hành tây sống cùng một ít muối sẽ mang lại kết quả diệt khuẩn khá tốt. Thêm nữa, do chứa nhiều quercetin - một hợp chất chống viêm - hành tây có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư, ngăn ngừa viêm khớp, tiểu đường, bệnh tim và giúp bạn có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
2. Đậu trắng
Đậu trắng được trồng ở khắp nơi, quả non để ăn, hạt quả già có thể dùng làm thuốc. Trước hết, đậu trắng là một loại thực phẩm có thể giúp giảm cân. Nhờ nguồn chất xơ, protein, vitamin dồi dào nhưng chứa ít calo và hầu như không có chất béo, đậu trắng còn giúp ngăn ngừa quá trình hình thành chất béo và kiểm soát calo.
Ngoài ra, chất xơ trong đậu trắng cũng đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ tiêu hóa, ổn định lượng đường trong máu, giảm cholesterol, ngăn ngừa táo bón. Đậu trắng cũng làm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, giảm sự hấp thu đường và tinh bột nên từ đó giúp giảm sự tích tụ chất béo. Ăn đậu trắng tạo cảm giác no lâu nên có thể giúp kiềm chế cơn đói, giúp ăn ít lại, vì thế mà quá trình giảm cân diễn ra hiệu quả hơn.
Ngoài tác dụng giảm béo, đậu trắng còn có tác dụng trong việc phòng chống kháng insulin, bệnh tiểu đường và bệnh tim, tăng cường năng lượng, giảm bớt các triệu chứng của viêm khớp, và hỗ trợ trong việc phòng chống ung thư ruột kết.
3. Củ cải trắng
BS-CKI Như Thủy cho biết củ cải có chứa nhiều kali, natri, canxi, phốt pho, sắt, kẽm, vitamin C, A, và B. Bổ sung thực phẩm này trong món ăn có thể ngăn ngừa ung thư, tăng cường hệ thống miễn dịch và hạn chế rối loạn hô hấp. Người xưa hay dùng nước củ cải thơm ngọt thay cho việc nêm bột ngọt/mì chính, dễ dàng phối hợp với các món như nấu súp cho vị ngọt thanh, dùng làm gỏi, đồ chua đồ ăn kèm hoặc salad.
4. Bông cải trắng
Không chứa tinh bột, bông cải trắng chứa nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng có lợi, bông cải trắng dù được chế biến luộc, nướng, hấp, đều cung cấp rất nhiều giá trị dinh dưỡng, giúp chống lại các phản ứng viêm do gốc tự do gây nên ở hệ tim mạch, từ đó giúp hệ tim mạch trở nên khỏe mạnh.
5. Tỏi
Từ lâu tỏi luôn được nhân gian lưu truyền là thực phẩm cực tốt cho sức khỏe nhưng do mùi vị cay nồng khiến nhiều người từ bỏ việc ăn tỏi. Tuy nhiên, nếu có thể dùng tỏi sống hoặc ủ, ngâm thường xuyên có thể giúp nâng cao sức đề kháng, phòng bệnh và tốt cho sức khỏe.
"Tỏi trắng có vị cay, tính ấm nên có tác dụng giải độc, sát trùng. Tỏi có công dụng như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên giúp làm tăng sức đề kháng cho cơ thể và làm giảm các nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn xâm nhập. Nói về khả năng chữa trị các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, nhờ vào các hợp chất chống oxy hóa nên tỏi đặc biệt mang lại hiệu quả cao. Nó còn giúp vết thương mau lành, hạn chế sự viêm nhiễm", BS-CKI Như Thủy cho biết.
Ngoài ra, do mỗi một sắc màu trong rau củ sẽ đại diện cho một loại vitamin, chất chống oxy hóa hoặc một loại khoáng chất khác nhau, tạo ra giá trị dinh dưỡng riêng, nên cách tốt nhất là ăn uống đủ chất, phù hợp, điều độ và không nên lạm dụng, chỉ ăn riêng loại nào trong thời gian dài.
Đặc biệt, cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia nếu muốn dùng các loại thực phẩm trên đây trong lúc bản thân có một số bệnh mãn tính đang điều trị.
Theo Thanh niên