Chạy bộ đã trở thành môn thể thao được nhiều người lựa chọn để duy trì sức khỏe. Không chỉ ở người trẻ mà còn ở người già, người cao tuổi cũng lựa chọn bộ môn này.
Chạy bộ là môn thể thao không yêu cầu phải có những thiết bị chuyên dụng hay kỹ thuật cao, chỉ cần một đôi giày phù hợp và bộ trang phục thoải mái bất kỳ ai cũng có thể tham gia chạy bộ. Vào sáng sớm hoặc buổi chiều không khó để bắt gặp những các cụ già đang tham gia chạy bộ thành từng nhóm tại các cung đường vắng, công viên...
Với người già, người cao tuổi, chạy bộ không chỉ là môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe mà còn giúp duy trì lối sống tích cực. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chạy bộ mang đến lợi ích cho sức khỏe đặc biệt là với người già, người cao tuổi.
Chạy bộ có tác dụng gì?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chạy bộ là hoạt động thể chất mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe như:
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư
- Tăng độ nhạy insulin
- Cải thiện mỡ máu
- Cải thiện mật độ xương, giảm nguy cơ loãng xương
- Giảm viêm
- Giảm nguy cơ tử vong liên quan đến các bệnh lý tim mạch
- Tinh thần: Giúp cải thiện tâm trạng, giảm nguy cơ mắc trầm cảm, lo lắng.
So với đi bộ, chạy bộ mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe hơn như: đối cháy nhiều calo hơn giúp giảm cân tốt hơn. Bởi chạy bộ cần sự vận động toàn thân để ổn định cốt lõi và sức mạnh ở phần dưới của cơ thể kết hợp với sự linh hoạt của hông và dùng cánh tay giúp thăng bằng. Có thể nói chạy bộ là môn thể thao đáng được lựa chọn khi bạn già đi.
Chạy bộ đúng cách
Khuyến cáo về nguyên tắc hoạt động thể chất hành vi của Australia đưa ra lời khuyên cho người già (trên 65 tuổi) rằng nên hoạt động với cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày. Do vậy việc tập luyện ở người già, người cao tuổi dù là đi bộ hay chạy bộ thì đều tốt cho sức khỏe.
Nếu sức khỏe của người già cho phép, việc chạy bộ sẽ đem đến nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe hơn. Người già cần đảm bảo di chuyển nhiều nhất có thể và duy trì thường xuyên.
Người già nên làm nóng cơ thể bằng việc đi bộ sau đó chạy bộ, nên chạy vài phút mỗi lần kết hợp đi bộ giữa các lần chạy bộ. Sau đó tùy vào sức khỏe và tăng dần thời gian chạy bộ, rút ngắn thời gian đi bộ.
Bên cạnh việc chuẩn bị một đôi giày phù hợp cùng với trang phục thoải mái, người già người cao tuổi cần lưu ý một số điều sau để chạy bộ được hiệu quả hơn và giảm nguy cơ chấn thương:
- Khởi động và giãn cơ cả trước và sau khi chạy
- Tập luyện thêm các bài tập bổ trợ cho các cơ và giúp thăng bằng tốt hơn
- Nên để cơ thể làm quen với việc chạy bộ một cách từ từ sau đó tăng dần cường độ
- Cần có mục tiêu cụ thể và hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt ra.
Quan trọng hơn cả, người già, người cao tuổi nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể lựa chọn hình thức tập luyện cũng như cường độ phù hợp với bản thân từ đó đạt hiệu quả tốt nhất cũng như hạn chế các chấn thương có thể gặp phải khi chạy bộ.
Theo suckhoedoisong.vn