Trẻ hóa tình trạng gan nhiễm mỡ
GS.TS.BS Đào Văn Long - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết, sau đại dịch, tỉ lệ mắc các bệnh về tiêu hóa tăng lên nhiều. Các bệnh lý tự miễn liên quan đến đường tiêu hóa tăng lên, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn chức năng của đường tiêu hóa… tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó là các bệnh lý đường tiêu hóa như nấm đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng… Những căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người bệnh mà nếu không được đánh giá đúng mức, điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng nguy hiểm.
"Ngoài việc gián đoạn về điều trị, những căng thẳng về tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ người mắc bệnh lý về đường tiêu hóa tăng nhanh chóng. Đặc biệt là hiện nay bệnh lý gan nhiễm mỡ đang gia tăng" – GS.TS.BS Đào Văn Long nói.
Trước đây, theo quan niệm cũ, bệnh gan nhiễm mỡ được chia làm 2 loại là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu (Non – alcoholic fatty disease – NAFLD). Gan nhiễm mỡ không do rượu là một bệnh lý mạn tính, mức độ phổ biến và nghiêm trọng của căn bệnh này tỉ lệ thuận với tình trạng béo phì và hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân. Chính vì vậy các khuyến cáo mới nhất đã giới thiệu một khái niệm mới rộng hơn, đúng hơn về bản chất đó là gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa (MAFLD). Việc đưa ra khái niệm này đã được các chuyên gia trên thế giới thống nhất giúp đánh giá toàn diện hơn các yếu tố nguy cơ chuyển hóa của người bệnh bên cạnh tiến triển mạn tính tại gan.
PGS.TS.BS Đào Việt Hằng – Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện nay bệnh lý gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa là bệnh lý phổ biến và gia tăng. Bệnh lý không chỉ liên quan virus viêm gan B, viêm gan C mà liên quan đến béo phì, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường… Tại Việt Nam, trong những năm qua khi mà có sự thay đổi chế độ về dinh dưỡng sang hướng phương Tây hóa cũng cho thấy ở các chuyên ngành như nội tiết, dinh dưỡng gặp tỷ lệ bệnh nhân béo phì, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn mỡ máu, tiểu đường tăng lên rất nhiều.
Đáng lo ngại là đa phần người bệnh phát hiện bệnh một cách tình cờ, đặc biệt là trong một đợt kiểm tra sức khỏe, siêu âm ổ bụng được phát hiện ra có gan nhiễm mỡ. Sau đó bệnh nhân được làm kiểm tra xét nghiệm máu thấy có tình trạng rối loạn mỡ máu hoặc rối loạn đường máu kèm theo. Bác sĩ khi đó mới bắt đầu kiểm tra lại tất cả các yếu tố nguy cơ như thừa cân béo phì, tiền sử gia đình, thói quen sinh hoạt… Khi mà người bệnh đã có các triệu chứng như mệt mỏi, đã có vàng da, vàng mắt… đã là đợt tiến triển nặng, có tình trạng viêm gan khá là rõ.
Những thói quen sinh hoạt dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ có hai nhóm. Thứ nhất do lạm dụng bia, rượu. Nhóm thứ 2 không do sử dụng bia rượu thì chủ yếu liên quan đến chuyển hóa. Người bệnh có thể mắc các bệnh lý chuyển hóa như béo phì, thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Tất cả những rối loạn chuyển hóa này sẽ làm tăng tình trạng lắng đọng mỡ tại gan và gây ra tình trạng gan thoái hóa mỡ. Trong những trường hợp nặng có thể gây ra tình trạng hoại tử tế bào gan, viêm gan…
Kiểm soát bệnh lý gan nhiễm mỡ
PGS.TS.BS Đào Việt Hằng chia sẻ về bệnh lý gan nhiễm mỡ.
PGS.TS Đào Thị Việt Hằng cho rằng, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đích cho bệnh gan nhiễm mỡ được chứng minh ưu việt. Biện pháp kiểm soát cơ bản và quan trọng nhất dành cho người bị gan nhiễm mỡ liên quan đến các bệnh lý chuyển hóa là giảm cân thông qua sự kết hợp giữa việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý và khoa học.
Tập thể dục thường xuyên (tập 120 – 150 phút/tuần với cường độ từ trung bình đến cao).
Một chế độ ăn uống sử dụng nhiều dầu mỡ chiên, xào, một chế độ ăn sử dụng nhiều tinh bột, chất mỡ thì cũng có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, bởi vậy nên hạn chế.
Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng bia, rượu. Nếu người bị gan nhiễm mỡ đang điều trị bệnh mà vẫn sử dụng bia rượu thì sẽ không đạt được hiệu quả.
Với những người thừa cân béo phì, nếu giảm được 5 – 10% trọng lượng cơ thể sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm gan cũng như cải thiện phục hồi mô bệnh học của gan. Đối với các nhóm thuốc điều trị, hiện tại việc điều trị vẫn còn hạn chế. Gan nhiễm mỡ nằm trong một nhóm bệnh lý chuyển hóa nói chung nên khi người bệnh điều trị bệnh, các bác sĩ không chỉ sử dụng thuốc điều trị men gan, vitamin E mà còn sử dụng các thuốc điều trị các yếu tố nguy cơ như điều trị tiểu đường, điều trị rối loạn mỡ máu, điều trị huyết áp…
Các chuyên gia cho rằng, việc chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo hay tiến bộ mới giúp người bệnh giảm chi phí điều trị, cải thiện sức khỏe. Với ứng dụng các công nghệ mới, người bệnh có thể nhận được những thông tin hữu ích về bệnh, theo dõi triệu chứng, chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, nhắc lịch uống thuốc và đặc biệt là có thể tương tác trực tiếp với bác sĩ. Họ sẽ hoàn toàn có thể theo dõi, quản lý tình trạng sức khỏe của mình khi mà phần lớn bệnh lý đường tiêu hóa, người bệnh đang phải sống chung.
Theo suckhoedoisong.vn