Ung thư là căn bệnh mà ai nghe qua cũng sợ bởi tỷ lệ điều trị thành công rất thấp, tỷ lệ tử vong cao. Nhiều người cho rằng mắc ung thư chẳng khác gì "án tử treo trên đầu", chỉ chờ ngày nhắm mắt xuôi tay. Tuy nhiên có những người, họ có ý chí kiên cường vượt qua số phận, chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác cùng hành trình điều trị ung thư đầy cam go. Hôm nay hãy cùng lắng nghe câu chuyện của người phụ nữ tên là Annie kể về hành trình chống ung thư của cô trên trang Cancer.
Khối "u xơ" quái ác là khởi nguồn của mọi chuyện
Tôi là Annie, một phụ nữ bình thường như bao người, đã kết hôn và chung sống hạnh phúc với người chồng mình thương. Bản thân tôi khỏe mạnh và hầu như ít mắc bệnh. Những tưởng cuộc sống cũng trôi qua êm đềm cho đến ngày hôm ấy, một ngày không bao giờ quên được trong đời tôi…
Rối loạn nội tiết có lẽ là bệnh thường gặp ở phụ nữ chúng ta, bản thân tôi cũng vậy nên khi mắc phải, tôi cũng không để tâm nhiều. Nhưng lần này nó diễn ra rất lâu, dù có ăn uống hay dùng thuốc cách nào cũng không khỏi. Tuy nhiên do tính chất công việc bận rộn nên tôi không đi khám ngay mà cứ chờ bệnh tự thuyên giảm.
Thật quái lạ, tới 9 tháng sau tôi vẫn không ngừng bị rối loạn nội tiết, thậm chí sản sinh thêm chứng đau dạ dày mãn tính. Nghi ngờ cơ thể có vấn đề, tôi liền đi khám phụ khoa và nói hết với bác sĩ về tình trạng hiện giờ. Khi mới nghe qua, bác sĩ bảo hãy yên tâm về uống thuốc và nghỉ ngơi, không phải bệnh nặng nên đừng lo.
Sau đó, bác sĩ bảo tôi đi siêu âm kiểm tra thì có phát hiện một khối u xơ nhỏ. Nhưng sau 6 tuần thì nó phát triển cực nhanh, từ kích thước bằng một quả cam thành quả dưa. Lúc ấy tôi nghĩ rằng, đây chẳng phải là rối loạn nội tiết nữa rồi mà đã biến chuyển thành bệnh gì khác…
Bác sĩ yêu cầu tôi nhập viện để phẫu thuật cắt bỏ khối u xơ ấy, tôi liền nghe theo và thầm mong mọi thứ sẽ trôi qua êm đềm sau khi mở mắt lại. Thế nhưng sự thật lại nghiệt ngã làm sao, bác sĩ chẩn đoán tôi đã mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 2, cần tiến hành điều trị gấp.
Khi nghe xong, bản thân tôi chẳng thể đứng vững và không muốn tin vào sự thật ấy. Tôi liên tục hỏi bác sĩ đã xác nhận chính xác chưa, liệu có sai sót nào trong quá trình chẩn đoán không, hay bác sĩ có nhầm hồ sơ với người khác không… nhưng câu trả lời vẫn cay đắng như vậy.
Nghĩ lại thì bà và dì của tôi đều mắc ung thư vú, đáng lẽ bản thân phải đi tầm soát sớm và cẩn thận hơn thì mọi chuyện không đến nỗi này. Khi về đến nhà, tôi khóc rất nhiều và tự trách bản thân đã để ung thư buồng trứng phát triển quá nhanh, bây giờ điều trị có thể không hiệu quả nữa rồi.
Hóa trị như chốn "địa ngục trần gian" với tôi
Khi tôi phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn 2 là năm 2004, vào thời điểm ấy, y học chưa phát triển để có phác đồ điều trị hiệu quả. Lúc đó bác sĩ động viên tôi phải lạc quan, cố gắng hợp tác hết sức để việc điều trị có tiến triển. Một tương lai mù mịt là thứ hiện rõ lên trước mắt tôi…
Sau 1 năm điều trị, đến 2005 thì bệnh tình dần khả quan hơn nên bác sĩ đã ngưng quá trình hóa trị. Đó vốn là tin mừng nhưng tôi vẫn không vui nổi, bởi trong suốt thời gian này tôi phải chịu nhiều tác dụng phụ của việc hóa trị. Cả người đau nhói, tóc thì rụng từng mảng, cơn buồn nôn đến liên tục làm tôi không ăn nổi thứ gì.
Những tưởng sau này sẽ vui khỏe mà sống, nhưng không, ông trời lại một lần nữa giày vò tôi sau 2 năm. Vào 2007, tôi tái khám thì phát hiện ung thư buồng trứng lại tái phát và nặng hơn lần trước. Việc liên tục hóa trị khiến cơ thể tôi như vừa tái sinh lại trở về chốn địa ngục.
Trong quá trình điều trị, tôi đã phẫu thuật 3 lần cùng 5 phương pháp điều trị khác nhau. Thế nhưng tin xấu không ngừng ập tới, bác sĩ phát hiện tôi mắc thêm ung thư vú và phải tiến hành thêm hàng loạt biện pháp chữa trị khác, nếu muốn sống. Lúc ấy tôi thật sự tuyệt vọng, mắc một lúc 2 bệnh ung thư thì chẳng còn gì cứu nổi nữa…
Lạc quan sống chung với bệnh
Sau nhiều lần phẫu thuật, hóa trị, xét nghiệm, điều trị bức xạ… liên tục vẫn chưa có kết quả tích cực, tôi nghĩ bản thân phải thay đổi từ trong suy nghĩ. Kể từ năm 2010, tôi bắt đầu học cách chấp nhận và sống chung với ung thư, bản thân luôn phải giữ tâm thái lạc quan và có cái nhìn tích cực với cuộc sống.
Trong quá trình chữa bệnh, tôi thấy xung quanh mình luôn có những nguồn động viên vô cùng lớn. Đó chính là các bác sĩ và y tá điều trị, là những bệnh nhân cũng đang gặp tình trạng giống tôi, là bạn bè và người thân… Họ chính là những người cho tôi thấy cuộc sống vẫn còn tươi đẹp, đừng đầu hàng trước số phận.
Để thay đổi tâm trạng, tôi quyết định đi du lịch và làm những điều mình thích, những điều bản thân chưa từng làm để thêm trải nghiệm. Thông qua những việc này, tôi thấy tiếng cười là liều thuốc quan trọng, có thể chữa lành tâm hồn và những cơn đau từ hóa trị.
Tôi cũng không ngờ rằng, những cuộc giao lưu gặp gỡ từ trung tâm ung thư lại mang thêm nhiều niềm vui như vậy. Do đồng cảnh ngộ nên chúng tôi cùng nhau chia sẻ và tâm sự như người thân trong nhà. Mọi người luôn động viên nhau và đưa ra những lời khuyên chân thành để cùng vượt qua căn bệnh quái ác này.
Sau đó tôi bắt đầu thay đổi lối sống khoa học hơn. Mỗi ngày tôi luôn tập thể dục nhẹ, tìm cách giảm stress và ăn uống lành mạnh. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, 80% tôi dành cho các thực phẩm giàu dinh dưỡng để chữa bệnh, 20% còn lại sẽ ăn những món mình yêu thích để không cảm thấy mệt mỏi.
Kể từ lúc tôi thay đổi lối sống thì những chuyện tốt đẹp cũng dần kéo đến. Bác sĩ bảo bệnh tình đang dần thuyên giảm, số lượng khối u ngày càng ít đi, sức khỏe cũng dần tốt lên. Họ bảo tôi không cần hóa trị nữa mà chỉ cần uống thuốc, nhất là phải cố gắng giữ lối sống tích cực như vậy.
Năm 2022 vừa qua chính là cột mốc đánh dấu 15 năm kể từ lần gần nhất tôi tái phát ung thư buồng trứng, đến bây giờ bệnh gần như biến mất và không gây ảnh hưởng gì nữa. Khi nhìn lại, tôi vẫn thấy đó là một quá trình đầy rẫy nước mắt và đau đớn, nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc và chiến thắng ung thư.
Có một điều tôi muốn gửi đến những bệnh nhân ung thư rằng, ngoài việc điều trị thì giữ tâm trạng lạc quan là chuyện vô cùng quan trọng. Một thái độ tích cực, không đầu hàng trước số phận chính là yếu tố then chốt để tiêu diệt ung thư. Ngoài ra, hãy hợp tác với bác sĩ để mang lại kết quả tốt nhất.
Minh Võ/Nguồn: Cancer