leftcenterrightdel
 

1. Giảm lo âu, trầm cảm nhờ ngừng sử dụng mạng xã hội

Vào ngày 6 tháng 5 vừa qua, Tạp chí Tâm lý học, hành vi và mạng xã hội đã cho đăng tải kết quả của một nghiên cứu mới. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, rời xa các mạng xã hội có khả năng giúp giảm cảm giác lo âu và trầm cảm.

Theo tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Jeff Lambert, việc sử dụng mạng xã hội hiện nay là rất phổ biến. Chính điều này đã làm gia tăng sự lo ngại về ảnh hưởng của chúng lên sức khỏe tinh thần của người dùng. Vì vậy, ông và các cộng sự của mình muốn tìm hiểu liệu rằng việc rời xa các mạng xã hội trong thời gian một tuần có thể đem lại lợi ích gì cho sức khỏe tâm thần hay không?

Để thực hiện nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 154 tình nguyện viên tham gia. Những người này có độ tuổi dao động trong khoảng 18-72 tuổi và đều có thói quen sử dụng mạng xã hội hằng ngày với thời lượng trung bình khoảng 8 giờ/tuần.

Ngay khi bắt đầu nghiên cứu thì những người tham gia sẽ đều phải trải qua các bài kiểm tra để đánh giá chỉ số lo lắng, trầm cảm và hạnh phúc. Sau đó họ sẽ được phân chia ngẫu nhiên làm hai nhóm khác nhau. Trong đó những người ở nhóm thứ nhất sẽ được yêu cầu ngừng sử dụng mạng xã hội trong vòng 1 tuần, còn nhóm thứ 2 vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội như bình thường.

Sau khi kết thúc 1 tuần thì nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích dữ liệu thu được. Kết quả cho thấy, có sự cải thiện đáng kể về các chỉ số lo lắng, trầm cảm và hạnh phúc ở những người thuộc nhóm thứ nhất so với nhóm thứ 2. Đồng thời, thời lượng sử dụng mạng xã hội ở nhóm thứ nhất cũng thấp hơn rõ rệt so với nhóm còn lại, chỉ 21 phút / tuần so với 7 tiếng /tuần.

Những người tham gia vào nghiên cứu chia sẻ rằng, họ cảm thấy bản thân trở nên hạnh phúc hơn khi rời xa sử dụng mạng xã hội trong vòng 1 tuần. Họ cũng tiết kiệm được thời gian lên đến 9 tiếng/tuần, thời gian mà trước đó vốn được họ sử dụng để lướt mạng xã hội.

leftcenterrightdel
Ngừng sử dụng mạng xã hội giúp giảm cảm giác lo âu, trầm cảm - Ảnh: Internet 

2. Mục tiêu hướng đến trong tương lai

Tiến sĩ Jeff Lambert cho biết, báo cáo của nghiên cứu cho thấy sự cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng ở những người tham gia khi họ ngừng sử dụng mạng xã hội. Và những tác động tích cực này vẫn sẽ xảy ra kể cả khi chỉ ngưng sử dụng mạng xã hội trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nghiên cứu vẫn còn có những hạn chế cần được làm rõ hơn trong tương lai.

Theo các tác giả, kế hoạch của họ là tiếp tục đánh giá liệu việc ngừng sử dụng mạng xã hội có thể đem lại lợi ích cho những nhóm đối tượng khác hay không, chẳng hạn như những người trẻ hơn hoặc già hơn. Thêm vào đó thì liệu việc ngừng sử dụng mạng xã hội lâu dài hơn có đem lại nhiều lợi ích hơn không cũng là điều cần được làm rõ.

Nếu kết quả thu được từ những mục tiêu trên vẫn phù hợp với những gì mà nghiên cứu này đã thu được thì ngừng sử dụng mạng xã hội có thể trở thành biện pháp để quản lý sức khỏe tâm thần.

Cuối cùng, Tiến sĩ Jeff Lambert kết luận rằng, mạng xã hội là một phần của cuộc sống này. Nhiều người sử dụng nó để định vị bản thân và tương tác với người khác. Nhưng nếu thời gian tiêu tốn cho nó lên đến nhiều giờ mỗi tuần và gây nên các ảnh hưởng tiêu cực thì lời khuyên được đưa ra là nên cắt giảm việc sử dụng mạng xã hội.

QN