Nguyên nhân gây sa dạ dày
Sa dạ dày hay gặp do các nguyên nhân:
- Do người bệnh thường xuyên ăn quá no, đặc biệt là bữa tối.
- Do người bệnh luyện tập hoặc lao động quá sức.
- Do cơ thể gầy yếu, suy nhược cơ thể.
- Hay gặp ở những người giảm cân quá nhanh, đột ngột.
- Do phụ nữ sinh đẻ nhiều.
Triệu chứng sa dạ dày
Người bị sa dạ dày hay xuất hiện triệu chứng đau thượng vị, buồn nôn và mệt mỏi
Người bệnh sa dạ dày sẽ xanh xao, ốm yếu, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Người bị bệnh sa dạ dày thường có một số triệu chứng:
- Sau khi ăn, bệnh nhân thấy dạ dày khó chịu, bị đầy bụng. Có cảm giác dạ dày sa xuống, bị căng hoặc cảm giác như có gì đè ép vào dạ dày rất khó chịu.
- Có cảm giác đau thượng vị, buồn nôn và nôn, mệt mỏi.
- Trong dạ dày thường xuất hiện tiếng động của nước nhưng khi nằm ngửa sẽ không nghe thấy.
- Thường hay bị ợ hơi, trong miệng có mùi hôi.
- Ăn uống kém làm ảnh hưởng đến dinh dưỡng toàn thân.
- Sắc mặt bệnh nhân xám xịt, miệng đắng, lưỡi khô. Tinh thần bệnh nhân không phấn khởi, hay mệt mỏi và sợ lạnh.
- Bệnh nhân đại tiện thất thường, lúc táo bón, tiêu chảy đan xen.
- Có thể bị nhức đầu, mất ngủ.
Sa dạ dày có nguy hiểm không?
Sa dạ dày nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể gây tử vong:
- Có thể gây xuất huyết dạ dày hoặc nôn ra máu rất nguy hiểm.
- Sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể.
Khi có triệu chứng bệnh, người bệnh cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị sa dạ dày phải kiên trì, liên tục.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ, dùng đúng thuốc, đủ liều lượng đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám định kỳ.
Phòng ngừa sa dạ dày
- Sau khi ăn cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng để máu dồn nhiều về dạ dày, giúp tiêu hóa thức ăn; Tránh vận động mạnh sau khi dùng bữa ít nhất 30 phút; Không tập luyện quá sức hoặc mang vác nặng lúc này, lượng thức ăn chưa kịp tiêu hóa có thể bị đẩy xuống phía dưới, làm dạ dày phải căng ra, lâu dần, tình trạng trên khiến dạ dày giãn ra và bị sa xuống.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng cho người bị sa dạ dày: Tránh ăn các thực phẩm khó tiêu hóa, thay vào đó nên cân bằng chất béo, tinh bột, đạm và chất xơ trong mỗi bữa ăn; Nên chia nhỏ bữa ăn nhằm làm giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn; Nên ăn các món ăn được chế biến ở dạng lỏng, mềm và ít gia vị; Nên kiêng các thực phẩm có khả năng gây đầy bụng như bắp cải, nước ngọt có gas, cà phê, rượu, sữa,…; Nên ăn chậm nhai kỹ và tránh ăn quá no.
- Thư giãn và bồi bổ sức khỏe vì cơ thể suy nhược, gầy yếu cũng là một lý do gây ra bệnh sa dạ dày; Kiểm soát căng thẳng bằng cách làm việc vừa phải, dành thời gian nghỉ ngơi, tập yoga, bơi lội, đọc sách,…
- Nên ngủ trước 23 giờ và đảm bảo thời gian ngủ kéo dài ít nhất 6 giờ/ ngày.
- Không nên giảm cân quá nhanh; Phụ nữ không nên sinh đẻ nhiều và mau quá.
- Nếu mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tiêu hóa cần được điều trị và theo dõi định kỳ.
Theo suckhoedoisong.vn