Cắt tử cung vẫn bị sa tạng chậu tái phát

Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã điều trị thành công cho cụ bà P.T.B. (75 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) bị sa sinh dục rất nặng.

Cụ B. đến khám vì âm đạo có một khối thò hẳn ra ngoài. Cách đó vài năm, bệnh nhân từng đi khám ở bệnh viện địa phương, được chẩn đoán bị sa tử cung độ III gây ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng sống. Cụ bà đã được phẫu thuật cắt bỏ tử cung theo ngả âm đạo. Sau đó, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn và tưởng rằng cắt tử cung là bệnh sẽ không tái phát.

leftcenterrightdel
 Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ân đang tư vấn cho một trường hợp về bệnh lý sa tử cung - Ảnh: N.T.

 

Tuy nhiên, sau khoảng nửa năm, cụ bà lại thấy có một khối sa ra ngoài âm đạo nên quyết định đến bệnh viện khám. Tại thời điểm thăm khám, các bác sĩ xác định bà B. bị sa tạng chậu tái phát độ III, mỏm cắt âm đạo tụt hẳn ra ngoài âm hộ khiến bệnh nhân rất khó chịu trong sinh hoạt. Bệnh nhân chia sẻ rằng mình gặp khó khăn khi đi tiểu và hay mắc tiểu gấp. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bên cạnh sa mỏm cắt âm đạo, bệnh nhân còn bị sa bàng quang độ III. Cụ bà đã được tiến hành phẫu thuật nội soi, khâu cố định âm đạo vào dây chằng cùng gai với mesh prolene. Sau ca mổ, tình trạng sa sinh dục được giải quyết, bệnh nhân không còn bị rối loạn tiểu. Gần đây, bệnh nhân đã tái khám tròn 1 năm sau ca mổ. Bác sĩ không ghi nhận có điều gì bất thường.

Từ ca bệnh kể trên, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ân - Trưởng khoa Niệu học chức năng, Trưởng đơn vị Sản - đáy chậu Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đã có những khuyến cáo cho chị em phụ nữ, nhất là người ở độ tuổi từ trung niên, nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh lý sa tử cung để đi khám và điều trị kịp thời. 

Các phương pháp điều trị 

Sa tử cung (hay sa sinh dục phụ nữ) là tình trạng tử cung tụt vào trong âm đạo. Sa tử cung rất thường gặp ở phụ nữ đã mang thai và sinh đẻ, tỉ lệ mắc phải càng gia tăng theo tuổi tác và tình trạng mãn kinh (chiếm 40 - 60%). Sa tử cung có thể xảy ra đơn độc nhưng thường đi kèm với sa thành trước âm đạo (sa bàng quang, sa niệu đạo) hoặc sa thành sau âm đạo (túi sa thành trước trực tràng), gọi chung là sa tạng chậu. Ở mức nhẹ (độ I, II), khối sa còn nằm trong âm đạo, ít gây ra triệu chứng phiền toái cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lâu dần, sa tử cung có thể chuyển nặng (độ III, IV), khối sa tụt ra ngoài âm đạo và gây các triệu chứng làm bệnh nhân khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Khi khối sa gây ra triệu chứng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, cần có các biện pháp điều trị. Có thể áp dụng các biện pháp nội khoa bảo tồn như tập cơ sàn chậu, đặt vòng nâng âm đạo… Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả thì phải phẫu thuật. Điều trị ngoại khoa gồm: không cắt tử cung và cắt tử cung.

Trước kia, các nhà sản phụ khoa cho rằng nên cắt tử cung để điều trị sa tử cung nhưng thực tế đã chứng minh sau khi cắt tử cung thì sa tạng chậu vẫn còn. Sở dĩ như vậy vì nguyên nhân sa tử cung chủ yếu do suy yếu hệ thống nâng đỡ các tạng vùng chậu (cân, cơ, dây chằng). 

Các báo cáo cho thấy bệnh nhân có nguy cơ cao sa tạng chậu hoặc tiểu không tự chủ trong 10-20 năm sau khi cắt tử cung. Một nghiên cứu khác ghi nhận người đã cắt tử cung bị tiểu không tự chủ cao gấp 2,4 lần so với người không cắt tử cung. Do đó, sau khi cắt tử cung, bệnh nhân cần tiếp tục thực hiện các phương pháp phẫu thuật cố định sàn chậu thì mới giải quyết triệt để tình trạng sa tạng chậu. Nhiều báo cáo y khoa ghi nhận thực hiện khâu cố định mỏm cắt âm đạo vào dây chằng cùng gai hoặc dây chằng tử cung - cùng hay đặt dải treo nâng đỡ giữa niệu đạo (mid-urethral sling) ngay sau khi và trong cùng cuộc mổ cắt tử cung sẽ hạn chế được tình trạng sa tạng chậu. 10 năm gần đây, giới y khoa xuất hiện ngày càng nhiều quan điểm bảo tồn tử cung, nghĩa là không nhất thiết phải cắt tử cung trong điều trị ngoại khoa sa tạng chậu.

Khi nào cần cắt tử cung?

Sa tạng chậu là chỉ định đứng hàng thứ ba của cắt tử cung, sau các nguyên do bệnh lý ác tính (ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung, ung thư phần phụ…) và do tai biến sản khoa (băng huyết sau sinh...). Ở Mỹ, chỉ định cắt tử cung do sa tạng chậu chiếm khoảng 15 - 18% (đa phần ở phụ nữ tuổi mãn kinh). Đối với những bệnh ác tính, cắt toàn bộ tử cung và 2 buồng trứng, ngoài ra còn nạo hạch chậu (gọi là cắt tử cung tận gốc - radical hysterectomy) là điều cần thiết để giữ tính mạng.

leftcenterrightdel
 Sa tử cung thường gây ra những triệu chứng khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày hoặc cản trở quan hệ tình dục - Nguồn ảnh: Internet

 

Đối với sa tử cung, chỉ định cắt bỏ tử cung đã giảm dần trong 2 thập niên gần đây, trong khi tỉ lệ bảo tồn tử cung tăng lên. Ngoài ra, nếu cần cắt tử cung để điều trị sa tử cung, các bác sĩ cũng cân nhắc cắt phía trên cổ tử cung (supracervical hysterectomy). Hệ thống dây chằng nâng đỡ tử cung chủ yếu bám quanh vị trí cổ tử cung. Cắt phía trên cổ tử cung sẽ làm giảm nguy cơ tiếp tục sa mỏm cắt âm đạo về sau.

Việc cắt toàn bộ tử cung, nghĩa là cắt tử cung và cổ tử cung, thường sẽ làm giảm chiều dài âm đạo. Lúc này, mặc dù vẫn quan hệ tình dục được nhưng người bệnh có thể bị đau do âm đạo ngắn. Do đó, nếu thực hiện phẫu thuật cắt tử cung mà giữ lại cổ tử cung thì cũng giữ lại chiều dài âm đạo, giúp tránh bị đau khi quan hệ tình dục.

Sa tử cung thường gây ra những triệu chứng khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày hoặc cản trở quan hệ tình dục. Bởi vậy, bệnh nhân thường mong muốn cắt tử cung để giải quyết những phiền toái trên. Họ sẽ có cảm giác hài lòng sau khi cắt tử cung, nhất là phụ nữ ở tuổi mãn kinh hoặc không còn nhu cầu mang thai và sinh đẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ ở tuổi còn nhu cầu sinh sản, mà ngay cả khi đã có đủ con vẫn không muốn cắt bỏ tử cung. Cắt tử cung khiến họ cảm thấy mất đi biểu tượng nữ tính. Vì vậy, bác sĩ cần cân nhắc giữa chỉ định phẫu thuật cắt tử cung và mong muốn của bệnh nhân.

Bệnh nhân bị sa tử cung, nhất là đi kèm với sa thành trước hay sa thành sau âm đạo thường đi khám do một hay nhiều triệu chứng. Trước tiên là triệu chứng của khoang trước âm đạo, chủ yếu là rối loạn tiểu, tiểu khó, tiểu không hết, tiểu lắt nhắt, tiểu gấp, tiểu không tự chủ. Nhiều bệnh nhân phải dùng tay đẩy khối sa lên để dễ tiểu. Một số bệnh nhân bị viêm bàng quang tái đi tái lại. Tiếp đến là triệu chứng của khoang giữa âm đạo. Lúc này, bệnh nhân nặng tức vùng âm hộ, viêm nhiễm cổ tử cung, mỏm cắt âm đạo, khó chịu, đau hoặc mắc cỡ khi quan hệ tình dục. Cuối cùng là triệu chứng của khoang sau âm đạo. Bệnh nhân sẽ bị táo bón, són phân hoặc cả hai.

Khi thấy mình có các triệu chứng trên, chị em nên chủ động đi khám ở các phòng khám phụ khoa của các bệnh viện hoặc trung tâm y khoa có khoa phụ sản. Sa tử cung thường đi kèm với sa bàng quang, tiểu không tự chủ (là những bệnh lý của khoa tiết niệu) và sa trực tràng (là bệnh lý của khoa tiêu hóa hoặc hậu môn - trực tràng). Vì thế, gần đây đã xuất hiện thêm chuyên ngành sàn chậu học, là ngành phối hợp của 3 chuyên khoa trên. Bệnh nhân cũng có thể đến khám ở những cơ sở y tế có chuyên khoa sàn chậu. 

Theo phụ nữ TPHCM