Một phụ nữ mang thai nghi nhiễm virus gây bệnh COVID-19 được đưa đến Bệnh viện Đại học Sk#ne (Malmo, Thụy Điển) khi đau bụng dữ dội. Các bác sĩ nhận thấy thai nhi có nhịp tim thấp bất thường, một dấu hiệu cho thấy em bé không được cung cấp đủ oxy.

Các bác sĩ tiến hành ca mổ lấy thai khẩn cấp trong vòng vài phút. Các xét nghiệm máu từ đứa bé cho thấy lượng oxy thấp nghiêm trọng, và các mẫu dịch họng cho thấy cả hai mẹ con đều bị nhiễm COVID-19.

Sau đó, các bác sĩ giải mã trình tự bộ gen của virus để xác nhận khả năng trẻ đã bị nhiễm COVID khi còn trong bụng mẹ. Kết quả cho thấy bộ gen của virus ở mẹ và con giống hệt nhau.

                                                                                                                  COVID-19 có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai


Vì em bé đã được cách ly khỏi người mẹ ngay sau khi chào đời và không tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình khi các xét nghiệm này được thực hiện, phát hiện xác nhận rằng em bé thực sự đã bị nhiễm bệnh trước khi được sinh ra.

Giải trình tự gen mới cho thấy quần thể virus của đứa trẻ đã thay đổi và chứa hỗn hợp phiên bản đột biến, cùng với chủng virus ban đầu từ mẹ. Dường như, đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về sự thay đổi gen của SARS-CoV-2 trong bối cảnh lây truyền từ mẹ sang thai nhi.

Mặc dù virus đột biến là điều phổ biến, nhưng đột biến này (được gọi là A107G) xảy ra chỉ 5 ngày sau khi đứa trẻ được sinh ra. Sự thay đổi có thể được kích thích bởi việc em bé tiếp xúc với môi trường bên ngoài tử cung của mẹ. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là sự đột biến đơn lẻ này xảy ra nhanh đến vậy.

Nhưng phát hiện quan trọng nhất là những thay đổi ở nhau thai. Nhau thai đưa máu và chất dinh dưỡng đến thai nhi, đồng thời lấy đi chất thải - rất quan trọng cho sự phát triển và khỏe mạnh của thai nhi. Xét nghiệm cho thấy rằng một nửa mô của nhau thai trong trường hợp trên đã bị hư hỏng.

Tình trạng viêm lan rộng, protein virus xuất hiện ở cả hai đầu nhau thai và tất cả các khu vực bị tổn thương do viêm.

Người mẹ đã hồi phục nhanh chóng sau khi nhiễm COVID-19 và được xuất viện 4 ngày sau khi sinh, nhưng em bé cần được chăm sóc thêm vì sinh non (tuần 34 của thai kỳ).

Đứa bé đã phát triển kháng thể chống lại virus và không có triệu chứng nghiêm trọng sau khi sinh. Hệ thống miễn dịch của chính em bé đã vô hiệu hóa virus vì nhóm tác giả không tìm thấy bất kỳ kháng thể nào trong sữa mẹ.


                                                                                Thai phụ nên được xem là một đối tượng ưu tiên trong điều trị COVID-19 vì bệnh có thể ảnh hưởng đến nhau thai và thai nhi


Các nghiên cứu trước đây cũng báo cáo tình trạng suy nhau thai nhanh chóng và nhịp tim thai bất thường, tương tự như những gì diễn ra trong trường hợp trên. Nhưng với hàng ngàn phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới, lây truyền từ mẹ sang con trong bụng mẹ dường như là một biến chứng hiếm gặp của COVID-19 trong thai kỳ.

Các nhà khoa học cho rằng điều này là do hàng rào nhau thai bảo vệ em bé trong bụng mẹ khỏi hầu hết các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, thụ thể quan trọng cần thiết để SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào, được gọi là thụ thể ACE-2, chỉ tồn tại ở mức độ thấp trong nhau thai.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, COVID-19 có thể làm hỏng nhau thai - dẫn đến thai nhi bị thiếu oxy - ngay cả khi người mẹ chỉ mắc COVID-19 nhẹ vào cuối thai kỳ.

Nhóm tác giả kết luận rằng, có lẽ giới y khoa nên suy nghĩ lại về cách theo dõi những phụ nữ mang thai bị COVID-19, và xếp họ vào một nhóm nguy cơ "quan trọng" hơn hiện nay.

Theo  phunuonline.com