leftcenterrightdel
 Bệnh nhân chụp tầm soát ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Tại hội thảo hằng năm Phòng, chống ung thư TPHCM lần thứ 26 do Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tổ chức ngày 7/12, giáo sư Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, ung thư luôn là bệnh gây gánh nặng y tế, tử vong sớm hơn tuổi thọ trung bình ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Thậm chí, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mỗi ngày trên toàn thế giới có hơn 26.000 trường hợp tử vong do ung thư. 

Số người mắc ung thư dự kiến tăng nhanh trong vòng 50 năm tới (có thể tăng gấp đôi), chủ yếu do dân số gia tăng và già đi, nhưng khuynh hướng thay đổi sẽ khác nhau theo khu vực. Khu vực được dự báo có mức độ tăng cao nhất ở những nước có nguồn lực hạn chế, được xếp trên chỉ số phát triển con người thấp. Chính vì vậy, ung thư luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - cho hay, thời gian đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăm sóc điều trị bệnh nhân ung thư. Quan trọng nhất trong ung thư là tầm soát, nhưng giai đoạn dịch bệnh, rất nhiều xét nghiệm không thể thực hiện được.

Ông chỉ rõ: “Không chỉ ở Việt Nam, mà các chuyên gia châu Âu đánh giá rằng, nếu không có những bước tiến nhanh, tập trung hơn thì ung thư sẽ là một đại dịch sau COVID-19. Bởi vì số lượng bệnh nhân được chẩn đoán trễ, theo thời gian sẽ gia tăng lên. Do vậy, chúng ta cần tập trung để kích hoạt trở lại các vấn đề như tầm soát, nghiên cứu ung thư, chăm sóc, điều trị người bệnh một cách tốt hơn”.

Trước những tiến bộ hiện nay, bên cạnh tập trung tầm soát, phát hiện sớm ung thư, việc bảo tồn về chức năng sinh học, thẩm mỹ và chất lượng sống của người bệnh là quan trọng, nhất là với người bệnh ung thư giai đoạn cuối, không thể cứu sống. 

Theo phụ nữ TPHCM