Trầm cảm sau sinh và những thảm kịch đau lòng

Tâm trạng chợt vui, chợt buồn, lo lắng… là cảm giác thường xảy ra đối với nhiều bà mẹ sau sinh và nó thường không kéo dài hay gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng có một số người rơi vào trầm cảm, nếu không được phát hiện can thiệp kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với chính bản thân bà mẹ và đứa trẻ.

Phải làm gì để ngăn chặn những bi kịch xót lòng do trầm cảm sau sinh? - Ảnh 1.

Trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Rất nhiều thảm kịch đau lòng đã xảy ra mà nguyên nhân do bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. Những vụ việc gần đây như: người mẹ ở Nam Định dìm 2 con xuống sông tử vong; một sản phụ ở Phú Thọ nhảy từ tầng 7 xuống từ vong nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh…

Vụ án người mẹ trẻ ở Nam Định dìm 2 con nhỏ của mình xuống sông khiến cả hai cháu tử vong vừa mới đây đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Cụ thể, khoảng 10h sáng ngày 8/3, một số người dân địa phương phát hiện tại khu vực mép sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn thôn Quần Khu (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), có một người phụ nữ trẻ đang có hành động dìm 2 cháu nhỏ xuống nước.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, người mẹ là Vũ Thị L. (sinh năm 1991, trú xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là giáo viên tiểu học. Tháng 9/2022, chị L. có biểu hiện trầm cảm, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh. Tháng 12/2022, L. có đơn và được trường giải quyết cho nghỉ việc.

Sau đó, L. được chồng đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám và được chẩn đoán mắc bệnh "Rối loạn thần cấp và nhất thời" và yêu cầu nhập viện để theo dõi, điều trị nhưng L. không đồng ý. Bệnh viện kê đơn thuốc điều trị tại nhà, hẹn sau 10 ngày đến khám lại. Nhưng sau 10 ngày điều trị, L. thấy biểu hiện bệnh giảm dần nên không đi khám lại.

Đến ngày 6/3, L. nảy sinh ý định tự tử nhưng lo sợ sau khi mình chết, không có ai chăm sóc 2 con gái (1 cháu sinh năm 2018, 1 cháu sinh năm 2021).

Sáng ngày 8/3, Loan đi xe máy chở theo 2 con đi từ nhà đến khu vực bờ đê sông Ninh Cơ, thuộc xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và bế 2 cháu đi xuống sông cách bờ khoảng 3-4m thì nước ngập đầu cả 3 mẹ con. Do bị sóng đẩy vào trong, Loan bế 2 cháu đi lên bờ, tuy nhiên lúc này 2 cháu đã tử vong.

Phải làm gì để ngăn chặn những bi kịch xót lòng do trầm cảm sau sinh? - Ảnh 2.

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần người mẹ và em bé.

Gần đây nhất, chiều 10/3, tại Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ đã xảy một trường hợp tử vong do rơi từ tầng 7 tòa nhà chính của bệnh viện. Nạn nhân là chị N.T.M.P (SN 1989, trú tại phường Vân Cơ, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Nạn nhân là sản phụ mới sinh được khoảng 2 tháng, nhưng không phải sinh tại Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ. Cách đây vài ngày, nạn nhân có đến bệnh viện khám. Nguyên nhân vụ việc phải chờ kết luận từ cơ quan chức năng. Theo một số nguồn thông tin từ bệnh viện, nạn nhân nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh, đã ngồi rất lâu trước khi để lại áo, điện thoại di động và nhảy từ tầng 7 xuống…

Và có thể sẽ có nhiều vụ việc đau lòng khác nếu như mỗi gia đình, người thân và bản thân người phụ nữ chưa nhận thức rõ được những ảnh hưởng tiêu cực của trầm cảm sau sinh để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời.

Hậu quả nghiêm trọng của trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp người mẹ rơi vào trầm cảm nhưng không được phát hiện và can thiệp kịp thời, đã tự hủy hoại cuộc đời và tước đi mạng sống của con mình.

Các triệu chứng trầm cảm thậm chí có thể bắt đầu ngay trong thời kỳ mang thai. Ở một số người có biểu hiện sau sinh và ở một số khác có thể không biểu hiện trong nhiều tuần sau khi sinh.

Người mẹ bị trầm cảm có thể phải trải qua nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực như: tuyệt vọng, hoảng sợ, cảm giác xấu hổ, tội lỗi, có ý định tự tử, thậm chí có ý nghĩ giết con mình. Trầm cảm sau sinh còn cản trở khả năng tương tác và gắn kết người mẹ với đứa con của mình.

Theo BSCKI Hoàng Hường, chuyên gia Sản phụ khoa, sau khi sinh, nhất là với người sinh con lần đầu, nhiều sản phụ dễ rơi vào tâm trạng chợt vui, chợt buồn, lo âu, dễ bị kích thích, khó tập trung, ăn không ngon, khó ngủ, mất ngủ…

Những biểu hiện này được xem là một phản ứng bình thường và thường không kéo dài. Tuy nhiên, nếu tình trạng đó kéo dài vài tuần với các biểu hiện ngày càng nghiêm trọng như: luôn cảm thấy buồn, thờ ơ với những sự việc xung quanh, ăn không ngon, sụt cân, khó ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi, thường khóc không lý do; cảm thấy bồn chồn, lo âu, dễ tức giận, bi quan về tương lai, cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc bị tội lỗi gì ghê gớm, thậm chí có ý nghĩ về cái chết... thì sản phụ đã bị rối loạn trầm cảm sau sinh.

Tình trạng trầm cảm ở người mẹ có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Những bà mẹ bị trầm cảm có thể đôi khi yêu thương và quan tâm con, nhưng những lúc khác có thể phản ứng tiêu cực hoặc không phản ứng gì cả. Thậm chí không muốn chăm sóc con hoặc vô thức làm hại em bé...

Phải làm gì để ngăn chặn những bi kịch xót lòng do trầm cảm sau sinh? - Ảnh 4.

Người mẹ có dấu hiệu trầm cảm cần nhận được giúp đỡ của người thân và chuyên gia y tế. Ảnh minh họa

Cần phát hiện các yếu tố nguy cơ để có biện pháp can thiệp kịp thời

Theo ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh: có nhiều triệu chứng về rối loạn trầm cảm sau sinh, trong đó triệu chứng đầu tiên liên quan về thể chất. Khi đó, người phụ nữ không muốn chăm sóc bản thân, họ chán mọi thứ, chán ăn, chán uống dẫn đến sụt cân. Họ không muốn giao tiếp với xã hội, thu mình lại và cảm thấy cuộc đời bế tắc, không có hy vọng và bất cứ năng lượng để làm việc gì... 

ThS. BS Mẫn khuyến cáo: "Khi có dấu hiệu bất ổn kéo dài trên 2 tuần thì sản phụ nên đi gặp chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ về tâm thần để ngăn chặn những bất ổn hay những xung đột để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho người mẹ đồng thời tránh luôn những việc gây hại cho các em bé".

Mặc dù chưa xác định nguyên nhân chính xác nhất gây trầm cảm sau sinh nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng trầm cảm sau sinh chủ yếu do nhiều yếu tố kết hợp như thể chất, tinh thần, tâm lý, xã hội. Trong đó, sự thay đổi nồng độ hormon trong cơ thể người phụ nữ sau sinh; Thay đổi thể chất và cảm xúc; Sự căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ; tiền sử người phụ nữ có mắc bệnh trầm cảm... là những yếu tố góp phần dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.

Đặc biệt, sự chia sẻ về tâm lý, hỗ trợ của người chồng có vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, ở những sản phụ thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của chồng và người thân trong cuộc sống và chăm sóc con cái, có mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình… thường dễ bị trầm cảm hơn.

Vì vậy để tránh những hậu quả đau lòng do trầm cảm sau sinh, các bác sĩ khuyên người phụ nữ khi mang thai cần chú ý chăm sóc tốt bản thân về tâm lý và sức khỏe. Đặc biệt, cần tránh căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực không cần thiết.

Gia đình, nhất là người chồng cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe và những nhu cầu tâm lý của người vợ trong suốt thời gian mang thai, sau sinh và có biện pháp giúp đỡ công việc chăm sóc em bé để người mẹ có thể giảm bớt mệt mỏi và được nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe tốt nhất.

Trường hợp người mẹ cảm thấy mình (hoặc người thân phát hiện sản phụ) có dấu hiệu luôn mệt mỏi, suy nhược, lo lắng, dễ kích động, có suy nghĩ tiêu cực… cần đi khám sớm để có biện pháp hỗ trợ về tâm lý và điều trị kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn