Lượng đường trong đồ uống được sản xuất ở Singapore vẫn ở mức cao, trung bình từ 5 đến 8 muỗng cà phê đường cho 250ml - Ảnh chụp màn hình
Các loại đồ uống có hàm lượng đường từ trung bình đến cao phải dán nhãn mác bên ngoài để cánh báo khách hàng. Trong đó, nội dung nhãn phải kèm theo cảnh báo việc tiêu thụ nhiều đường không có lợi cho sức khỏe.
Singapore cũng sử dụng nhãn mác theo màu để cảnh báo người tiêu dùng về độ lành mạnh của thức uống, chia thành 3 loại cơ bản là lành mạnh, trung tính và không lành mạnh tương ứng với 3 màu khác nhau.
Các sản phẩm phải tuân theo quy định này gồm tất cả những đồ uống được đóng gói trong chai, hộp hoặc bịch từ nước giải khát, nước trái cây, sữa chua và các loại nước hỗn hợp.
Singapore và Malaysia là hai nước có tỉ lệ sử dụng đường trên đầu người cao hàng đầu thế giới, theo Hãng thông tấn Bloomberg.
Báo Straits Times của Singapore dẫn một khảo sát vào năm 2018 cho thấy trung bình mỗi ngày người Singapore tiêu thụ hết 12 muỗng đường, với 6 muỗng trong số này đến từ đồ uống. Điều này dẫn tới sự gia tăng các trường hợp béo phì, tiểu đường ở Singapore.
Trong thông báo ngày 10-10, Bộ trưởng Y tế Singapore Edwin Tong cho biết lệnh cấm mới không hướng tới việc làm khó doanh nghiệp. Ông Tong nhấn mạnh việc sử dụng các nhãn mác cảnh báo sẽ giúp người tiêu dùng có lựa chọn sáng suốt và tốt cho sức khỏe của họ hơn.
Lệnh cấm cũng khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm có trách nhiệm và vì sức khỏe cộng đồng nhiều hơn.
Theo ông Tong, hệ thống nhãn mác cảnh báo theo màu đã được áp dụng trên 30 nước và thành công. Chẳng hạn như ở Chile, doanh số các đồ uống mang nhãn không lành mạnh đã giảm 25% chỉ sau một năm rưỡi.
Tuy nhiên, Singapore sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm quảng cáo các loại đồ uống đóng gói nhiều đường, Bloomberg khẳng định.
Trước khi ban hành lệnh cấm, chính phủ Singapore đã tiến hành tham vấn người dân và hỏi nên làm thế nào để giảm lượng đường tiêu thụ thông qua đồ uống.
Có 4 giải pháp khả thi được đưa ra là dán nhãn cảnh báo, cấm quảng cáo, đánh thuế đường và cấm các đồ uống có lượng đường cao. Kết quả cho thấy có 84% người được hỏi ủng hộ việc dán nhãn cảnh báo bắt buộc.
Theo tuoitre