Paxlovid - một loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Singapore đã tiếp nhận lô thuốc uống Paxlovid kháng virus đầu tiên của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer.
Đây là loại thuốc uống chống virus đầu tiên được Cơ quan Khoa học y tế (HSA) Singapore phê duyệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 12/2, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết loại thuốc này sẽ được kê đơn điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 trưởng thành có nguy cơ cao bệnh diễn tiến nặng nhằm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
Thuốc được dùng hai lần/ngày trong 5 ngày và nên dùng càng sớm càng tốt kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng COVID-19.
Paxlovid đã được HSA cấp phép tạm thời vào ngày 3/2 vừa qua theo Lộ trình Tiếp cận đặc biệt của đại dịch.
Các chuyên gia của HSA đã đánh giá dữ liệu lâm sàng hiện có đối với loại thuốc này và nhận thấy nó có thể giảm 88,9% tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện hoặc tử vong ở bệnh nhân COVID-19 khi được sử dụng trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Tỷ lệ hiệu quả là 87,8% khi được sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện.
Bên cạnh đó, HAS cũng lưu ý các tác dụng phụ thường gặp được báo cáo từ nhẹ đến trung bình, chẳng hạn như thay đổi vị giác, tiêu chảy, nôn mửa, tăng huyết áp, đau cơ và ớn lạnh.
Tuy nhiên, Paxlovid có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau, ví dự như thuốc điều trị nhịp tim không đều, đau nửa đầu và mỡ máu...dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ngoài ra, HAS còn cho biết một số loại thuốc như thuốc điều trị động kinh cũng có thể làm giảm mức độ của Paxlovid và giảm hiệu quả kháng virus.
Các nước như Hàn Quốc, Anh và Israel đã bắt đầu sử dụng Paxlovid cho bệnh nhân COVID-19 từ tháng này. Trung Quốc cũng đã cấp phép khẩn cấp cho loại thuốc này.
Trong khi đó, Paxlovid cũng đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê duyệt.
HSA hiện cũng đang xem xét một loại thuốc kháng virus khác là Molnupiravir.
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Molnupiravir có thể giảm 50% nguy cơ tử vong hoặc phải nhập viện đối với những người có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Theo Vietnamplus