leftcenterrightdel
Một nhân viên y tế đang kiểm tra thông tin cá nhân của một phụ nữ. Bà đang xếp hàng để được xét nghiệm khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh:Reuters. 

 

Những tin đồn về việc chính phủ Trung Quốc sẽ từ bỏ chính sách tốn kém "Zero Covid-19" khiến cổ phiếu Trung Quốc tăng vọt vào tuần trước. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo 5/11, các quan chức y tế Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách "Zero Covid-19" nhằm dập tắt triệt để dịch bệnh.

Sau đó một ngày, hôm 6/11, số ca nhiễm được ghi nhận trong 24 giờ tại Trung Quốc lên mức 5.436 ca, tức cao nhất trong hơn 6 tháng, dù con số này vẫn không làm thay đổi chiến lược của Trung Quốc, theo Bloomberg.

Đập tan hy vọng nới lỏng

Dù "Zero Covid-19" giúp Trung Quốc giữ số ca nhiễm và tử vong ở mức thấp, thiệt hại về kinh tế và xã hội là không nhỏ. Tình hình nghiêm trọng hơn khi các biến thể mới lây lan rất nhanh khiến việc cách ly virus gần như là không thể, theo CNN.

“Chúng ta cần đặt mạng sống con người lên hàng đầu. Mọi người cũng nên thích ứng với nguy cơ tái nhiễm Covid-19 và các chiến lược kiểm soát dịch trên diện rộng như ngăn chặn hàng nhập khẩu", Hu Xiang, quan chức kiểm soát dịch bệnh, cho biết. "Thực tiễn đã chứng minh chính sách phòng chống và kiểm soát đại dịch cùng hàng loạt biện pháp khác mà chính phủ đưa ra là hoàn toàn đúng đắn. Đây cũng là cách tiết kiệm và hiệu quả nhất để ngăn Covid-19”. 

Trước cuộc họp báo ngày 5/11, mạng xã hội xuất hiện những tin đồn rằng Trung Quốc đang thành lập một ủy ban cấp cao để bãi bỏ chính sách "Zero Covid-19". Do đó, nhiều người hy vọng các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng.

Giá cổ phiếu niêm yết của các công ty Trung Quốc tại đại lục, Hong Kong và Mỹ tăng mạnh vào tuần trước khi các nhà đầu tư háo hức trước viễn cảnh các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, thông báo của chính phủ đã dập tắt hy vọng đó.

Trong công chúng, nhiều người ngày càng thấy mệt mỏi với việc kiểm tra Covid-19 liên tiếp, kiểm dịch tập trung và phong tỏa chặt chẽ trong hàng tháng trời.

Những bi kịch giữa phong tỏa

Nhiều người chất vấn về nhiều bi kịch được cho là liên quan đến chính sách.

Vào 4/11, một phụ nữ 55 tuổi rơi từ tầng 12 xuống trong khu chung cư bị phong tỏa ở Hồi Hột, thủ phủ của khu vực phía bắc Nội Mông. Cuối tháng 10, khu chung cư đó bị cách ly sau khi chính quyền phát hiện 2 trường hợp mắc Covid-19. Lối vào tòa chung cư được ngăn lại bằng rào chắn cao.

leftcenterrightdel
 Các nhân viên y tế đến một dân cư bị phong tỏa vì Covid-19 ở thành phố Hồi Hột, Nội Mông. Ảnh:China News Service.

Trong một tin nhắn thoại được chia sẻ rộng rãi, người ta nghe thấy con gái của người phụ nữ xấu số kia đập vào rào chắn và kêu cứu trong tuyệt vọng. Cô cầu xin nhân viên mở rào chắn để cô có thể chạy tới chỗ mẹ. Cô hét lên: “Mở cổng ra! Mở cổng! Tôi cầu xin đấy, làm ơn mở cổng đi".

Trong đoạn video khác, họ nhìn thấy cô con gái đang quỳ và khóc bên cạnh mẹ. Người mẹ vẫn đeo khẩu trang, nằm bất động trên mặt đất.

Cảnh tượng tuyệt vọng kéo theo làn sóng giận dữ. Trong một tuyên bố, cảnh sát địa phương cho biết người phụ nữ đã tử vong vốn mắc chứng rối loạn lo âu và sống cùng cô con gái 29 tuổi.

Hôm 1/11, một cậu bé 3 tuổi chết vì ngộ độc khí gas tại khu nhà phong tỏa ở thành phố Lan Châu, phía tây bắc Trung Quốc. Cậu bé tử vong do các biện pháp hạn chế của chính sách làm trì hoãn các nỗ lực cứu hộ.

Đợt lây nhiễm mới đang đến

Các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi một làn sóng lây nhiễm mới và chính phủ sẽ thực hiện lệnh phong tỏa khi mùa đông đến.

Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc ghi nhận 5.496 ca nhiễm vào 6/11, đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua. Hơn một phần ba số ca nhiễm này xuất hiện ở thành phố phía nam, Quảng Châu. Thành phố 19 triệu dân này đang phải vật lộn với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Những khu vực rộng lớn của quận Haizhu đều đang trong tình trạng bị phong tỏa.

Tại một cuộc họp báo 6/11, các quan chức cáo buộc một số cư dân lây lan virus do họ phá vỡ quy tắc cách ly và dỡ bỏ rào chắn để ra ngoài mua vật phẩm thiết yếu.

Ngay cả ở những nơi không bị phong tỏa, các quy định kiểm tra Covid-19 liên tục và các hạn chế nghiêm ngặt về việc đi lại khiên nhiều người tức giận. Người dân và khách đi công tác ở Trung Quốc phàn nàn về việc họ không thể quay trở lại thủ đô dù có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.

leftcenterrightdel
 Giới chức trách Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch kể từ tháng 10. Ảnh:Barrons.
 

Một người đàn ông 81 tuổi viết trong một bài báo trên mạng xã hội: "Tôi vốn là một người điềm tĩnh, nhưng lần này tôi thực sự hoảng sợ vì tôi lần đầu tiên nếm trải cảm giác mất mát và bất lực khi không thể trở về ngôi nhà của chính mình".

Chu Tiểu Bình, một blogger theo chủ nghĩa dân tộc, cũng gặp nhiều rắc rối khi quay lại Bắc Kinh. Trong một loạt bài đăng trên Weibo, ông đã công khai chất vấn các biện pháp hạn chế đi lại.

Theo zingnews