leftcenterrightdel
 Các triệu chứng bao gồm sốt, ho, sổ mũi và phát ban đặc biệt

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao này đã gây ra dịch bệnh ở 37 quốc gia vào năm 2202, so với 22 quốc gia vào năm 2021.

Trong một báo cáo mới, căn bệnh này làm 9 triệu trẻ em mắc bệnh và giết chết hơn 136.000 trẻ em, chủ yếu ở các nước nghèo. 

Các cơ quan y tế cho biết số ca mắc sởi cũng tăng gần 20% sau khi mức độ tiêm chủng giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua.

John Vertefeuille của CDC cho biết: “Sự gia tăng các đợt bùng phát bệnh sởi và tử vong là đáng kinh ngạc, nhưng thật không may bởi căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng được bằng vắc xin”.

Theo các chuyên gia, 2 liều vắc xin sởi có tác dụng bảo vệ cao chống lại căn bệnh này. Trẻ em ở các nước đang phát triển ở châu Phi, Đông Nam Á, châu Mỹ Latinh và Ấn Độ có nguy cơ cao nhất. 

WHO và CDC cho biết tỉ lệ tiêm chủng ở các nước nghèo là khoảng 66%. 

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và lây lan trong không khí khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho, sổ mũi và phát ban đặc biệt.

Hầu hết các trường hợp tử vong là do các biến chứng như viêm não, mất nước nghiêm trọng, khó thở  và viêm phổi. 

Các biến chứng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và người lớn trên 30 tuổi.

Căn bệnh này cũng gia tăng ở một số nước giàu trong những năm gần đây. Cơ quan y tế Anh hồi tháng Bảy cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở London là cực kỳ cao, một số khu vực ở thủ đô báo cáo chỉ có 40% trẻ em được tiêm phòng.

Tỉ lệ tiêm chủng ngừa bệnh sởi ở Anh và một số nước vẫn chưa đạt tỉ lệ mong muốn kể từ khi bác sĩ người Anh Andrew Wakefield đưa ra những tuyên bố sai lầm rằng vắc xin có liên quan đến bệnh tự kỷ cách đây hơn 2 thập kỷ. Chưa có nghiên cứu khoa học nào xác nhận mối liên hệ này, nhưng nghiên cứu của Wakefield đã khiến hàng triệu phụ huynh trên toàn thế giới bỏ mũi tiêm này.

Theo phụ nữ TPHCM