leftcenterrightdel
 Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trị tại một trung tâm cách ly ở miền đông Sudan - Ảnh: AFP

Theo WHO, phần lớn sự gia tăng này là do xung đột và biến đổi khí hậu. "Tỉ lệ tử vong tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ gia tăng của các ca bệnh là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được" - tiến sĩ Philippe Barboza - người đứng đầu nhóm nghiên cứu bệnh tả trong chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO - nói.

Tiến sĩ Barboza cho biết, báo cáo chính thức có hơn 4.000 người tử vong vì bệnh tả vào năm 2023, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

WHO đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ các chương trình xét nghiệm ở nhiều nước và phát hiện ra rằng tổng số ca tử vong vào năm 2023 có thể lên tới hơn 100.000.

Năm 2023, có 45 quốc gia báo cáo có ca bệnh tả, tăng đáng kể so với con số 35 quốc gia vào năm 2021.

Gánh nặng toàn cầu của căn bệnh này đã chuyển từ Trung Đông và châu Á sang châu Phi, nơi có số ca mắc tăng 125% vào năm 2023 so với năm 2022.

WHO cho rằng, sự lây lan của bệnh tả ở miền nam châu Phi là do các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm cả lũ lụt và hạn hán.

Lúc hạn hán, khi người dân không có nước, họ thường tụ tập quanh một vài nguồn nước, và nếu chúng bị ô nhiễm, có thể nhanh chóng khiến hàng ngàn người mắc bệnh.

Tiến sĩ Barboza cho biết, Zambia và Malawi đều có phản ứng nhanh chóng trước các đợt bùng phát dịch tả, nhưng hệ thống y tế của họ đã quá tải.

Tại Sudan, nơi có hơn 9 triệu người phải di dời do cuộc nội chiến tàn khốc, người dân phải chen chúc trong các trại tị nạn với cơ sở hạ tầng thiếu thốn và kém vệ sinh trầm trọng.

Tiến sĩ Bashir Hamid - Giám đốc y tế và dinh dưỡng của tổ chức Save the Children tại Sudan - cho biết, các nhân viên y tế đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch tả vào năm 2023. Nhưng hiện nay, căn bệnh này đã quay trở lại, với hơn 5.600 trường hợp được báo cáo kể từ giữa tháng Tám.

Năm 2023, các đợt bùng phát rất lớn đã được báo cáo tại 9 quốc gia: Afghanistan, Bangladesh, Congo, Ethiopia, Haiti, Malawi, Mozambique, Somalia và Zimbabwe.

Theo WHO, con số này cao gấp đôi số vụ bùng phát dịch bệnh được báo cáo hằng năm từ năm 2019 đến năm 2021. Năm 2023, tổ chức y tế của Liên hiệp quốc đã ghi nhận 535.321 trường hợp trên toàn cầu, tăng so với mức 472.697 của năm 2022.

Hiện nay, có 24 quốc gia công bố đang bùng phát dịch tả; số ca bệnh và tử vong thường tăng đột biến vào cuối năm do thời tiết. WHO cho rằng, cuộc khủng hoảng dịch tả cũng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu vắc xin dai dẳng trên toàn cầu.

Theo phụ nữ TPHCM