|
|
Sữa chua làm từ thực vật và sữa chua làm từ sữa động vật có những đặc điểm dinh dưỡng riêng biệt. Đồ họa: Doãn Hằng |
Bà Khushboo Sahijwani Matta, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm năng lượng và sức khỏe Rejua, Mumbai (Ấn Độ) - cho biết, có những sự khác biệt đáng kể giữa sữa chua làm từ sữa động vật và sữa chua làm từ thực vật, bao gồm:
Protein
Sữa chua làm từ sữa động vật: Chứa protein hoàn chỉnh, bao gồm tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần. Điều này giúp hỗ trợ phát triển cơ bắp và sức khỏe tổng thể.
Sữa chua làm từ thực vật: Có hàm lượng protein thấp hơn nên không phải lúc nào cũng đủ các axit amin thiết yếu (trừ khi được bổ sung). Tuy nhiên, các loại sữa chua từ đậu nành có thể cung cấp một lượng protein tương đương sữa chua từ sữa bò.
Lactose (đường tự nhiên)
Sữa chua làm từ sữa động vật: Thường chứa lactose, một loại đường tự nhiên có trong sữa. Những người không dung nạp lactose có thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa sữa chua làm từ sữa động vật.
Sữa chua làm từ thực vật: Được làm từ các nguyên liệu như sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa dừa, hoặc sữa yến mạch, do đó không chứa lactose, là lựa chọn tốt cho những người không dung nạp lactose hoặc ăn chay.
Vitamin và khoáng chất
Sữa chua làm từ sữa động vật: Là nguồn cung cấp canxi, vitamin B12, và riboflavin đặc biệt quan trọng đối với những người ăn chế độ ăn thiếu hụt các vi chất này.
Sữa chua từ thực vật: Không chứa vitamin B12 tự nhiên (trừ khi được bổ sung), nhưng có thể chứa nhiều vitamin và khoáng chất từ các nguyên liệu thực vật, như vitamin E (từ hạnh nhân), vitamin D và canxi (nếu được bổ sung vào sản phẩm).
Chất béo
Sữa chua từ sữa động vật: Thường có hàm lượng chất béo bão hòa cao, điều này có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol nếu tiêu thụ quá nhiều.
Sữa chua từ thực vật: Tùy thuộc vào nguyên liệu, sữa chua từ thực vật có thể có hàm lượng chất béo không bão hòa, đặc biệt là trong các loại làm từ sữa hạnh nhân, dừa, hoặc đậu nành, vốn có lợi cho tim mạch.
Chất xơ
Sữa chua từ sữa động vật: Không có chất xơ.
Sữa chua từ thực vật: Các loại sữa chua làm từ nguyên liệu thực vật (như đậu nành, yến mạch) có thể chứa một lượng chất xơ nhất định, tốt cho hệ tiêu hóa.
Lợi ích của sữa chua hạnh nhân (thực vật)
Bà Yogita Chavan, bác sĩ dinh dưỡng tại Bệnh viện Godrej Memorial, Mumbai (Ấn Độ) - cho biết, nếu người tiêu dùng đang tìm kiếm một loại sữa chua giàu dinh dưỡng (có nguồn gốc thực vật), thì sữa chua hạnh nhân có thể là một lựa chọn, miễn là nó được bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.
“Mức canxi và B12 trong sữa chua có nguồn gốc thực vật sẽ thấp hơn sữa chua được làm từ sữa động vật. Tuy nhiên, nếu sữa chua có nguồn gốc hạnh nhân được tăng cường thêm các chất dinh dưỡng vi lượng trong quá trình chế biến, thì đó có thể là một loại thực phẩm hoàn chỉnh”, bác sĩ Chavan nói.
Các nhà dinh dưỡng khuyên rằng, giá trị dinh dưỡng của mỗi loại sữa chua nói trên sẽ tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân như chế độ ăn uống, dinh dưỡng và mục tiêu sức khỏe của mỗi người.
Theo laodong