Nguyên nhân sỏi amidan

Amidan có nhiệm vụ sản sinh ra tế bào tiêu diệt vi khuẩn gây hại cho đường hô hấp. Dù vậy, nếu số lượng vi khuẩn, virus xâm nhập ồ ạt sẽ khiến các tế bào không đủ sức chống chọi. Xác của các tế bào thoái hóa theo thời gian tích tụ lại. Thức ăn bị vướng lại kẽ hở của amidan kết hợp với muối vô cơ sẽ dẫn đến tình trạng vôi hóa. Do kết cấu bề mặt amidan có nhiều chỗ lồi lõm, dễ dung nạp những chất lắng cặn, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển bởi vậy sỏi amidan cũng dễ hình thành.

Thường thì các cục sỏi amidan này chỉ nhỏ như cỡ hạt gạo nên hay gọi là hạt bã đậu. Ở bệnh nhân bị viêm amidan mạn tính dễ gặp sỏi amidan.

Sỏi amidan có tự khỏi không và gây biến chứng gì? - Ảnh 1.

Sỏi amidan là nguyên nhân gây hôi miệng hàng đầu. Nếu sỏi có kích thước nhỏ, người bệnh sẽ không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào.

Sỏi amidan là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng

Sỏi amidan là nguyên nhân gây hôi miệng hàng đầu. Nếu sỏi có kích thước nhỏ, người bệnh sẽ không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Theo thời gian, sỏi sẽ được tích tụ và kích thước ngày càng lớn.

Người bệnh bắt đầu cảm thấy vướng họng khi nhai nuốt thức ăn, đau rát dữ dội kèm theo sưng tấy amidan. Thỉnh thoảng, người bệnh có thể thấy những mảnh vụn màu trắng vàng cứng như đá rơi ra khỏi miệng khi đang nhai nuốt.

Khi nội soi sẽ thấy rõ đá trắng vàng ở trong hốc amidan. Ngoài ra, sỏi amidan có thể gây đau tai, ù tai bởi do có dây thần kinh liên kết amdian với tai nên khi amidan bị viêm, tai cũng có thể bị ảnh hưởng.

Sỏi amidan có tự khỏi không?

Câu hỏi đặt ra ở nhiều người bệnh là sỏi amidan chữa thế nào, có tự khỏi không? Trên thực tế sỏi amidan không tự khỏi nhưng nếu như sỏi amindan nhỏ thì người bệnh chỉ cần súc miệng thường xuyên. Nếu sỏi amidan nằm sâu ở bên trong nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào thì không cần phải cố gắng loại bỏ chúng.

Ngoài ra, có thể dùng tăm bông di chuyển và ấn nhẹ vào vùng amidan có sỏi và đẩy về phía trước để sỏi thoát ra ngoài. Cần lưu ý cẩn thận không nên dùng lực hoặc khạc quá mạnh để tránh nguy cơ bị tổn thương ở bên trong khoang miệng. Không dùng ngón tay hoặc bất cứ vật gì nhọn hoặc sắc để loại bỏ sỏi amidan. Để an toàn và yên tâm tốt nhất hãy đến bác sĩ tai mũi họng để giải quyết được vấn đề này.

Sỏi amidan có tự khỏi không và gây biến chứng gì? - Ảnh 2.

Người bệnh cần gặp bác sĩ nếu amidan đỏ, sưng hoặc đau.

Nếu sỏi amidan làm đau hoặc khó nuốt có thể súc miệng bằng nước muối ấm. Người bệnh cần gặp bác sĩ nếu có các vấn đề như:

  • Không thể lấy được sỏi amidan tại nhà hoặc chỉ lấy được một phần của sỏi;
  • Amidan đỏ, sưng hoặc đau;
  • Cảm thấy đau sau khi lấy sỏi amidan tại nhà;
  • Có triệu chứng của sỏi amidan nhưng không thấy sỏi… hoặc thấy lo lắng có những biểu hiện bất thường khác.

Trường hợp sỏi amidan to gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh không thể giải quyết được các bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cắt amidan. Phẫu thuật amidan có thể gây đau cổ họng trong vài ngày sau khi phẫu thuật. Và điều cần ghi nhớ rằng, nếu sỏi amidan không quá ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể không cần phải thực hiện phẫu thuật.

Tóm lại: Nguyên nhân chính gây nên sỏi amidan là do vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và mắc ở các hốc, thường hay gặp nhất là những người bị viêm amidan mạn tính.

Vì vậy, để phòng và loại trừ sỏi amidan cần uống nhiều nước sẽ có tác dụng giúp sỏi amidan bị tan nhỏ ra, tránh sự tích tụ hình thành sỏi trong amidan.

Hàng ngày cần duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thay bàn chải định kỳ. Một ngày nên đánh răng 3 lần: buổi sáng khi thức dậy, sau khi ăn trưa và trước khi đi ngủ tối để phòng tránh bị kết sỏi amidan và giữ sạch răng miệng.

 

Theo suckhoedoisong.vn