Phụ nữ bị són tiểu thường e ngại nên chịu đựng

Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Đức - Nguyên Trưởng khoa Tiết niệu, BV Đại học Y dược TP.HCM, có khoảng 40 - 60% bệnh nhân tiểu không kiểm soát khi gắng sức có kèm tiểu gấp không kiểm soát (lúc mắc tiểu, nước tiểu són ngay khi chưa kịp đi tiểu).

Điều đáng nói, đa số phụ nữ mắc tiểu không kiểm soát thường e ngại nên chịu đựng không chữa trị. Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2009 ước tính gần 53% phụ nữ bị tiểu không kiểm soát nhưng chỉ khoảng 30% bệnh nhân tìm kiếm cách điều trị.

"Đa số chị em thấy ngại khi nói với bác sĩ hoặc nghĩ sai cho rằng đến lứa tuổi phải bị mà không có cách chữa trị đành âm thầm chịu đựng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống"- BS. Đức nhấn mạnh.

Trên thực tế nhiều người bệnh có tâm lý e ngại, xấu hổ nên che giấu, tránh né đi khám, âm thầm chịu đựng những bất tiện khó bày tỏ khi són tiểu khiến bệnh càng ngày càng trầm trọng. Điều này dẫn đến sự thiếu tự tin do mất vệ sinh, gây mùi khó chịu.

Són tiểu ở phụ nữ nếu chữa sớm luyện tập vùng chậu 80% có thể khỏi - Ảnh 1.

Nếu luyện tập đúng cách, 75-80% các trường hợp tiểu không kiểm soát khi gắng sức nhẹ có thể khỏi.

Vì sao phụ nữ dễ mắc són tiểu?

Chia sẻ về vấn đề này, theo TS.BS Hoàng Đức, bình thường nếu ở phụ nữ không bị bệnh, khi tăng áp lực ổ bụng, hệ thống cơ đáy chậu và cơ thắt niệu đạo tăng kháng lực, giúp niệu đạo đóng chặt nên không bị thoát nước tiểu. Ở người bệnh tiểu không kiểm soát khi gắng sức, niệu đạo bị tăng tính di động hoặc do cơ thắt niệu đạo suy yếu (có thể do hậu quả của sinh nở, do phẫu thuật ở vùng chậu, do lớn tuổi, béo phì…) nên cơ chế bảo vệ thoát nước tiểu bị mất gây ra tiểu són khi gắng sức.

Như vậy, són tiểu hay còn gọi tiểu không kiểm soát là tình trạng nước tiểu thoát ra ngoài mà không được sự kiểm soát của người bệnh.

Có hai dạng tiểu không kiểm soát:

- Tiểu không kiểm soát khi gắng sức: Xảy ra khi bàng quang và niệu đạo (ống thoát tiểu) không kiểm soát được sự tăng áp lực đột ngột. Một lượng nước tiểu ít hoặc trung bình, thoát ra ngoài không được kiểm soát. Hiện tượng này xảy ra khi áp lực trong bàng quang tăng lên, như khi bạn ho, hắt hơi hoặc cười.

- Tiểu gấp không kiểm soát trên người có bàng quang tăng hoạt tính: Xảy ra đột ngột, không kiểm soát được cảm giác mắc tiểu.

Són tiểu ở phụ nữ nếu chữa sớm luyện tập vùng chậu 80% có thể khỏi - Ảnh 2.

Người bệnh són tiểu có tâm lý e ngại, xấu hổ nên che giấu, tránh né đi khám.

Cần làm gì khi són tiểu?

Theo TS.BS Hoàng Đức, để chẩn đoán, ngoài khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định làm các nghiệm pháp gắng sức, soi bàng quang và trong một số trường hợp cần làm thêm đo áp lực đồ bàng quang, chụp cộng hưởng từ vùng chậu.

Để điều trị són tiểu, bệnh nhân thường bắt đầu bằng luyện tập vùng chậu. Nếu luyện tập đúng cách, 75-80% các trường hợp tiểu không kiểm soát khi gắng sức nhẹ có thể khỏi.

Đối với trường hợp tiểu không kiểm soát khi gắng sức nặng hoặc không cải thiện với tập luyện vùng chậu thì nên điều trị bằng phẫu thuật đặt băng nâng niệu đạo.

"Phẫu thuật nhẹ nhàng với 1 vết mổ nhỏ ở thành trước âm đạo, có thể làm với gây tê vùng và nằm viện 1 đêm. Sau mổ tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90% ở thời điểm 5 năm sau mổ" - TS.BS Hoàng Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, người bệnh nên giảm cân, tập luyện thói quen đi tiểu của bàng quang, giảm các thức ăn đồ uống kích thích bàng quang (đồ ăn cay, trái cây chua, chocolate, các thức uống chứa caffein..), TS.BS Hoàng Đức khuyến cáo thêm.

Theo TS.BS Hoàng Đức, người bệnh són tiểu có thể được yêu cầu sắm một cuốn nhật ký tiết niệu, ghi lại bao nhiêu lần bạn đi tiểu vào ban ngày và ban đêm, và thường xuyên rò rỉ nước tiểu.

Để điều trị người bệnh cần thay đổi hành vi, cụ thể:

- Uống chất lỏng ít hơn (nếu bạn uống nhiều hơn so với số lượng bình thường của chất lỏng)

- Đi tiểu thường xuyên hơn để giảm số lượng nước tiểu rò rỉ

- Tránh nhảy hoặc chạy, mà có thể gây ra nhiều nước tiểu để bị rò rỉ

- Làm cho nhu động của ruột thường xuyên hơn bằng cách ăn chất xơ hoặc thuốc nhuận tràng để tránh táo bón (mà có thể làm cho không kiểm soát tồi tệ hơn)

- Bỏ hút thuốc để giảm ho và bàng quang kích thích (và nguy cơ ung thư bàng quang)

- Tránh rượu và cafe

- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân

- Tránh thực phẩm và đồ uống kích thích bàng quang, chẳng hạn như thức ăn cay, đồ uống có ga và các loại trái cây họ cam quýt

- Kiểm soát đường máu nếu có bệnh tiểu đường

- Bài tập huấn luyện cơ vùng chậu (bài tập Kegel) có thể giúp kiểm soát rò rỉ nước tiểu. Những bài tập này tiếp tục giúp cơ thắt niệu đạo mạnh lên và kiểm soát được nước tiểu.

Theo suckhoedoisong.vn