Ngày 29.8, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Đức Quốc (Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn) chia sẻ: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt như nước muối sinh lý NaCl (0,9%) có công dụng rửa mắt, vệ sinh mắt; “nước mắt nhân tạo” có công dụng chống khô mắt, làm sạch mắt; những loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh có công dụng diệt khuẩn; những loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng viêm có công dụng chống viêm, chống phù nề.

Các loại thuốc sẽ phù hợp với từng trường hợp khác nhau. Người bệnh không nên lạm dụng thuốc nhỏ mắt quá nhiều khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại có chứa kháng sinh vì có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như dị ứng gây đỏ mắt, nóng rát, xốn mắt, xung huyết kết mạc, viêm bờ mi, thủng giác mạc, kháng thuốc, thậm chí có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh hiện tại. 

Khi gặp một trong những triệu chứng bất thường thì người bệnh nên ngưng sử dụng thuốc và đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Sử dụng nhiều thuốc nhỏ mắt có an toàn? - Ảnh 1.

Các loại thuốc nhỏ mắt sẽ phù hợp với từng trường hợp khác nhau, không nên lạm dụng

SHUTTERSTOCK

Vệ sinh mắt cho trẻ đúng cách?

Các bậc phụ huynh có thể vệ sinh mắt cho trẻ từ 2-3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý NaCl (0,9%) vào các thời điểm như sau: khi thức dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ. Đối với trẻ em có nhiều ghèn mắt (dịch tiết ở mắt) thì có thể vệ sinh mắt bất cứ lúc nào.

Đối với trẻ bị đau mắt đỏ, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để được các bác sĩ tư vấn và sử dụng đúng thuốc đúng liều lượng, tránh tình trạng lạm dụng sai thuốc gây ra biến chứng.

Khi vệ sinh mắt cho trẻ nhỏ, phụ huynh cần chú ý những vấn đề như rửa tay sạch khi vệ sinh mắt cho trẻ. Không dùng một gạc vô khuẩn để vệ sinh 2 mắt cho trẻ vì có thể lây bệnh từ mắt này sang mắt kia (đặc biệt đối với trẻ bị đau mắt đỏ 1 bên). Sau khi vệ sinh mắt cho trẻ, phụ huynh nên rửa mặt cho trẻ bằng khăn sạch và nước ấm, khăn sau khi dùng phải giặt sạch và phơi nắng để tránh vi khuẩn lây bệnh phát triển.

Ngoài ra, để bảo vệ đôi mắt cho trẻ, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguy cơ gây bệnh như khói bụi, ánh nắng mặt trời, tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh về mắt vì có nguy cơ lây nhiễm, nhất là trong đợt dịch đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo người dân các biện pháp để phòng đau mắt đỏ như sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch

2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng

3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường

5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh

6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ

7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác

8. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Theo Thanh niên