Một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang tiếp tục lây lan ở những quốc gia thường ít khi ghi nhận các ca nhiễm virus gây bệnh này, khiến giới chức y tế toàn cầu phải cảnh giác cao độ.
Với hơn 643 ca bệnh ở hàng chục quốc gia trên thế giới, những nơi đậu mùa khỉ không phải bệnh đặc hữu, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng "sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ tại nhiều quốc gia vào cùng một thời điểm cho thấy có thể đã có sự lây truyền chưa được phát hiện trong một thời gian."
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lưu hành trong nhiều thập kỷ ở một số nơi, trong đó có nhiều khu vực ở Tây và Trung Phi. Trong nghiên cứu được công bố tuần này, các nhà khoa học tại Viện Sinh học tiến hóa thuộc Đại học Edinburgh (Anh) cho biết họ đã theo dõi mô hình di truyền và phát hiện đã có sự lây truyền từ người sang người liên lục ít nhất kể từ năm 2017.
Theo nghiên cứu này, trình tự gene cho thấy các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trong năm nay dường như bắt nguồn từ đợt bùng phát gây ra các ca bệnh tại Singapore, Israel, Nigeria và Vương quốc Anh từ năm 2017-2019.
Trong khi đó, Giáo sư Michael Worobey, nhà sinh học tiến hóa, tại Đại học Arizona (Mỹ), không tham gia vào nghiên cứu trên nhưng cũng đồng quan điểm, cho rằng nghiên cứu cho thấy đợt bùng phát lần này đã diễn ra trong một thời gian dài giống như ở những nơi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.
Theo ông, điều này cho thấy thế giới đã thất bại trong việc kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ ở những khu vực mà bệnh này là bệnh đặc hữu, và không thể ngăn chặn virus gây bệnh ở nguồn lây trước khi lan truyền ra toàn cầu.
Nhà dịch tễ học Anne Rimoin của Trường Y tế công cộng Fielding thuộc Đại học California (Mỹ), người đã nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ trong khoảng 2 thập kỷ qua, từ lâu đã cảnh báo rằng căn bệnh vốn lây lan ở những nước như CHDC Congo này có thể gây ra những tác động lớn hơn đến sức khỏe toàn cầu.
Theo chuyên gia này, nếu bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại một nơi có động vật hoang dã sinh sống ở ngoài châu Phi thì sự thất bại trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng khó có thể được đảo ngược.
Bà cho rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới nhất này rất khó dự đoán, một phần vì các nhà khoa học chưa thể tìm ra nguồn gốc lây lan bệnh. Theo đó, có thể virus gây bệnh này đã âm thầm lan truyền trong một thời gian.
Giáo sư Rimoin nhận định các ca bệnh đậu mùa khỉ ở người trước đây không quá khác biệt so với một số trường hợp ban đầu tiếp xúc với động vật nhiễm virus gây bệnh, nhất là loài gặm nhấm.
Một khi lan truyền giữa những loài vật này, virus có thể lây ngược trở lại cho con người, những người có tiếp xúc với các loài gặm nhấm như sóc hay chuột lang bị mắc bệnh. Nếu tiếp tục chứng kiến tình trạng lây nhiễm từ người sang người trong đợt bùng phát lần này, dù ở mức độ thấp, thì khả năng lây lan virus trở lại cho động vật ở những quốc gia mà đậu mùa khỉ không phải bệnh đặc hữu ngày càng hiện hữu.
Theo bà Rimoin, sự lan truyền như vậy có thể cho phép virus lây lan trong môi trường, đồng thời lây truyền giữa người và động vật theo thời gian. Bà cho rằng đã từng xảy ra trường hợp đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tự chấm dứt sau chuỗi lây ngắn ngày qua người.
Tuy nhiên, dù các nhà khoa học đã biết về bệnh này từ nhiều thập kỷ trước, nhưng đợt bùng phát mới xảy ra ở những địa điểm mới cho thấy giới chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu kỹ về virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Vietnamplus