Các bác sĩ khẳng định, chưa có bằng chứng cho rằng sữa động vật gây dậy thì sớm, trong khi đó, xem phim ảnh người lớn lại là một tác nhân
Không có bằng chứng khoa học
Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em dậy thì sớm đang khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Không ít bậc phụ huynh cho rằng, trẻ sử dụng sữa có chứa chất kích thích sinh trưởng, sinh sản nên dậy thì sớm hơn. “Lỗi là do cha mẹ, cứ nghĩ cho con uống sữa sẽ cao lớn nhưng thực ra, dậy thì sớm khiến các con có khả năng bị thấp còi và béo phì chứ không tốt”, một bà mẹ quả quyết. Tuy nhiên, sữa bò có thực sự là “tội đồ” trong câu chuyện trẻ lớn trước tuổi?
Liên quan vấn đề này, tiến sĩ - bác sĩ Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương), chia sẻ, hiện có tình trạng trẻ dậy thì sớm gia tăng, thậm chí, con số mắc mỗi năm tăng gấp 35 lần thời điểm 10 năm trước. Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định: “Đến nay, chưa có bằng chứng khoa học hay nghiên cứu nào cho thấy uống sữa động vật khiến trẻ dậy thì sớm như nhiều thông tin đưa ra”. Khi dậy thì, tuyến vú bắt đầu phát triển ở trẻ gái và tăng kích thước thể tích tinh hoàn ở trẻ trai. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện như: chiều cao tăng vọt, có lông mu, lông nách, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, mùi cơ thể…
Nguyên nhân gây dậy thì sớm do sữa bò cũng đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) bác bỏ. Cụ thể, vào năm 1997, một nghiên cứu lớn công bố tỷ lệ trẻ gái dậy thì sớm ngày càng cao, nhiều người bắt đầu nghi ngờ sữa bò - loại thực phẩm được tiêu thụ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Sau đó, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, nhưng không tìm được mối liên quan rõ ràng nào. Trong số này, có nghiên cứu đã chỉ ra, trong sữa bò ghi nhận chất IGF-I với cấu trúc gần giống insulin.
Tuy nhiên, FDA Mỹ đã kết luận, lượng IGF-I hoàn toàn được tiêu hóa, do đó không bị hấp thu trực tiếp. Đặc biệt, lượng chất này như nhau ở sữa bò có kích thích hoóc-môn, sữa bò organic và trẻ ăn sữa mẹ. Các chuyên gia về nông nghiệp cũng khẳng định, các dư lượng chất kích thích đều mất hoạt tính khi qua quá trình tiêu hóa “ác liệt” của con người.
Cũng theo các chuyên gia, trẻ được xem là dậy thì sớm ở trước tám tuổi với bé gái và trước chín tuổi với bé trai. Do đó, nhiều bậc phụ huynh lầm tưởng con mình dậy thì sớm, nhưng thực tế, trẻ không gặp vấn đề về bệnh lý mà nguyên nhân là do nhận thức, hành vi không phù hợp với lứa tuổi.
Nguyên nhân thực sự của dậy thì sớm
Lý giải về nguyên nhân dậy thì sớm, bác sĩ Bùi Phương Thảo phân tích, dậy thì sớm gồm có hai nhóm, là dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên.
Trong đó, dậy thì sớm ngoại biên xuất hiện ở trẻ có bệnh lý như u vỏ thượng thận, u buồng trứng, u tinh hoàn, hoặc các u tăng tiết hoóc-môn sinh dục, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh. Đặc điểm của dậy thì sớm ngoại biên là hoóc-môn sinh dục tăng cao nhưng hoóc-môn kích thích tuyến sinh dục (gonadotropine) lại thấp. Những trường hợp này phải được điều trị bằng thuốc đặc hiệu, hoóc-môn thay thế, phẫu thuật.
Với các trường hợp dậy thì sớm trung ương, khi xét nghiệm thường phát hiện hoóc-môn sinh dục tăng cao, còn gonadotropine bình thường hoặc tăng nhưng sẽ tăng sau kích thích bằng GnRH. Nguyên nhân gây bệnh do sự hoạt động sớm của trục vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục. Trẻ nữ và nam mắc phải chứng bệnh này thường trông già hơn tuổi. Trẻ nữ có đặc tính sinh dục phụ trước tám tuổi như tuyến vú phát triển, có lông mu… và có thể có kinh nguyệt trước 10 tuổi. Trẻ nam có đặc tính sinh dục phụ trước chín tuổi như có ria mép, giọng ồm, tinh hoàn to trên 4ml. Bệnh nhân còn có thể có biểu hiện thần kinh như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu…
Bên cạnh hai yếu tố bệnh lý trên, bác sĩ Bùi Phương Thảo còn chỉ ra yếu tố môi trường cũng đang tác động làm xu hướng dậy thì của trẻ ngày càng sớm. Cụ thể như, việc trẻ tiếp cận với phim ảnh của người lớn có thể tác động tâm lý dẫn tới dậy thì sớm. Trẻ có cân nặng cao cũng khiến nguy cơ dậy thì sớm trung ương tăng lên.
Trẻ dậy thì sớm thì tuổi xương sẽ lớn hơn tuổi thực, do đó, khi trưởng thành sẽ thấp hơn các bạn cùng trang lứa. Trung bình, trẻ dậy thì sớm ở nữ giới thường thấp hơn 12cm và nam giới là khoảng 20cm.
Để cải thiện chiều cao của trẻ, khắc phục hậu quả của bệnh dậy thì sớm, các bác sĩ khuyến cáo bố mẹ cần chú ý tới sự phát triển, thay đổi tâm sinh lý của trẻ để được thăm khám kịp thời. Nếu không can thiệp, trẻ sẽ bị “khóa cốt xương” sớm dẫn tới tình trạng thấp lùn sau này. Không những vậy, với nhiều bé gái dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn dẫn tới mặc cảm, khó hòa đồng…
Việc điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ. Hiện nay, phương pháp điều trị sớm bằng cách tiêm hoóc-môn được đánh giá có hiệu quả cao đối với điều trị, kìm hãm dậy thì sớm. Phương pháp này có thể làm chậm sự phát triển của tuyến vú, thậm chí khiến tuyến vú nhỏ đi và dừng kinh nguyệt trong vài năm. Trẻ có thể tăng được 8 - 10cm chiều cao khi trưởng thành.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, do dậy thì sớm có mối liên hệ với béo phì nên các bậc phụ huynh cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ, hạn chế ăn các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ và thực phẩm có nhiều đường…
Theo phunuonline