leftcenterrightdel
 Phụ nữ đang tích cực thảo luận và khích lệ lẫn nhau yêu thương cả những thứ họ cho là khuyết điểm trên cơ thể - Ảnh minh họa: Getty Images

Hàng loạt trào lưu văn hóa xã hội đề cao lối sống thuần tự nhiên đang thịnh hành trong thời gian gần đây, nhất là sau cơn đại dịch toàn cầu. Phụ nữ đang tích cực thảo luận và khích lệ lẫn nhau yêu thương cả những thứ họ cho là khuyết điểm trên cơ thể.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, chướng ngại tâm lý đôi khi khó vượt qua hơn chúng ta nghĩ. Một phụ nữ tự tin cũng có lúc âm thầm phiền muộn về hình ảnh của mình trong gương: nét mệt mỏi ẩn hiện nơi đôi mắt, cơ thể không còn đầy sức sống sau khi sinh con hay phải trải qua những ngày dài bận rộn với công việc - gia đình. 

Nếu từng nghĩ rằng yêu thương bản thân là điều không dễ, bạn không đơn độc. Thế nhưng, luôn có cách để chúng ta xoay chuyển góc nhìn, khiến đời nhẹ nhàng hơn. 

Sức hút của những vết nứt 

Người Nhật tin rằng khi một tách trà chẳng may rơi vỡ hay do lỗi tạo tác mà xuất hiện dấu vết nứt rạn, nó sở hữu một vẻ đẹp độc nhất. Vết nứt tựa nét điểm xuyết riêng biệt, gợi nhắc về quá trình chiếc tách được nhào nặn, thành hình bởi đôi tay người thợ gốm. Đường rạn nứt ấy cũng ẩn chứa thông điệp: không có sự tồn tại hữu hình nào là bất biến. Trong tiếng Nhật, “để tiếp nhận vẻ đẹp không hoàn mỹ của vạn vật” được biểu thị qua cụm từ wabi sabi. 

Phần lớn người Nhật xem wabi sabi là một tư tưởng văn hóa cốt lõi, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Từ khía cạnh thiền học, wabi sabi bao hàm 7 nguyên tắc: fukinsei (sự bất đối xứng), koko (mộc mạc), shizen (tự nhiên), yugen (mềm mại, thanh thoát), datsuzoku (tự do), seijaku (tĩnh lặng) và kanso (giản dị). Những nguyên tắc này vừa để mô tả nhận thức về thế giới tự nhiên, vừa nhằm phản ánh nhân cách - hành vi được cho là luôn tồn tại bên trong mỗi người. 

Kanso, hay sự đơn giản hóa, hiện diện rõ nét ở địa hạt kiến trúc truyền thống Nhật Bản. Yugen - cảm nhận thanh thoát, shizen - hướng về thiên nhiên và seijaku - sự bình lặng vẫn lưu dấu đến tận ngày nay trong phong cách thời trang, ẩm thực, thậm chí thể hiện qua lối cư xử, giao tiếp thường ngày tại quốc gia Đông Á này.

“Wabi sabi tác động sâu rộng đến đời sống văn hóa Nhật Bản. Triết lý này gợi nhắc chúng ta về việc thay đổi góc nhìn. Nhìn ra thế giới bên ngoài, rồi nhìn lại chính bạn. Bạn có thể nhận ra thế giới luôn đầy rẫy những thứ không cân xứng, yếu mềm, dễ tàn phai. Nhưng cũng chính vì vậy, chúng mang nét đẹp độc nhất vô nhị, không thể so sánh. Con người cũng thế” - Taro Gold - tác giả tựa sách Living wabi sabi: The true beauty of your life (tạm dịch: Wabi sabi: Vẻ đẹp đích thực của cuộc đời bạn) - chia sẻ.

Gold - người có thời gian dài học tập và sinh sống tại xứ sở mặt trời mọc, đặc biệt yêu thích nền mỹ học Nhật Bản - vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư duy wabi sabi. “Kintsugi là một ví dụ nổi bật. Đó là nghệ thuật hàn gắn đồ gốm sứ vỡ bằng vàng. Trong quá trình nối liền những mảnh vỡ, nghệ nhân gần như tạo nên một tác phẩm mới, thậm chí còn đẹp và cá tính hơn bản gốc” - ông nhận xét.

“Mỗi khi nhớ về bà tôi, tôi lại nghĩ đến triết lý wabi sabi, về những chiếc tách vỡ và vẻ đẹp không hoàn mỹ đi cùng năm tháng tồn tại trong mỗi chúng ta. Từng nếp nhăn trên gương mặt, lớp chai sạn trên đôi tay được bà tôi bình lặng tiếp nhận. Sau bao trải nghiệm bươn chải, bà dạy lớp trẻ chúng tôi điều tương tự, rằng cơ thể - mang theo vết tích của thời gian - là thứ kết nối ta với hiện thực. Yêu quý con người thật của mình giúp bạn có được niềm hạnh phúc ở thực tại” - Kem McIntosh Lee - nhiếp ảnh gia người Mỹ đam mê yoga và văn hóa thiền - chia sẻ. 

Kintsugi ra đời khoảng thế kỷ XV, dựa trên triết lý wabi sabi về vẻ đẹp không hoàn mỹ. Nghệ nhân dùng vàng nấu chảy hoặc các lớp sơn mài phủ bột vàng để hàn gắn đồ gốm sứ đã vỡ, biến dấu vết nứt rạn thành đường nét trang trí độc đáo - Nguồn ảnh: AdobeStock
Kintsugi ra đời khoảng thế kỷ XV, dựa trên triết lý wabi sabi về vẻ đẹp không hoàn mỹ. Nghệ nhân dùng vàng nấu chảy hoặc các lớp sơn mài phủ bột vàng để hàn gắn đồ gốm sứ đã vỡ, biến dấu vết nứt rạn thành đường nét trang trí độc đáo - Nguồn ảnh: AdobeStock

Giữa nhịp sống tất bật ngoài kia, khi nhiều người phải quay cuồng xoay xở trước nỗi lo cơm áo, khi khái niệm về cái đẹp dễ dàng bị thao túng bởi chủ nghĩa tiêu dùng thực dụng, đôi khi, chúng ta cần được nhắc nhở để tìm lại một số giá trị cốt lõi dễ bị quên lãng. 

“Thế giới đôi khi rất khắc nghiệt, đến mức sẽ có lúc chúng ta cảm thấy nhỏ bé, hoang mang về bản thân. Những triết lý giàu cảm hứng như wabi sabi là liều thuốc tinh thần hữu ích cho mỗi người. Nó gợi nhắc chúng ta không có thứ gì hoàn hảo, thế nên hãy đối xử dịu dàng hơn với chính mình” - Gold nói. 
“Giống như những mảnh gốm vỡ được hồi sinh bằng vàng, mỗi người luôn có cơ hội tiếp thêm sức sống cho tâm hồn và thể xác. Cái chúng ta nghĩ là không đẹp, không ưa nhìn cũng ẩn chứa chiều sâu riêng” - tác giả người Mỹ bày tỏ. Những điểm bạn cho rằng không cuốn hút ở bản thân (sợi tóc bạc, nếp nhăn nơi đuôi mắt, vết rạn da, sẹo mổ sau lần vượt cạn…) đều góp phần tái hiện câu chuyện cuộc đời bạn.

Vẻ đẹp quý giá nhất là vẻ đẹp vốn có  

Đã làm công việc tư vấn cho nhiều phụ nữ mắc hội chứng rối loạn lo sợ về hình thể, chuyên viên trị liệu tâm lý Elle Mace xem wabi sabi là “một lối tư duy gần gũi”, giúp phái đẹp “học cách trân trọng cả những điểm không hoàn mỹ của họ”. 

Để thay đổi tư duy thông qua triết lý wabi sabi, nữ bác sĩ trị liệu đưa ra lời khuyên: “Cơ thể bạn đã trải qua rất nhiều thứ cùng bạn - khi vui vẻ, phấn khởi, lúc mệt mỏi, đau ốm, mọi khoảnh khắc thăng trầm trong đời người. Vậy sao không bắt đầu bằng việc thử nói “cảm ơn” cơ thể? Tôi biết điều này nghe có vẻ kỳ lạ nhưng hành động thể hiện lòng biết ơn với chính chúng ta có thể giúp ta đồng cảm với mình, hiểu và trân trọng bản thân hơn. Hãy thử dành vài phút mỗi ngày để liệt kê những gì bạn cảm thấy biết ơn ở cơ thể bạn”.

“Ý tưởng về vẻ đẹp hoàn mỹ thường được rao bán bởi các ngành kinh doanh, dịch vụ. Chúng ta sinh ra vốn không hoàn hảo nhưng chính điều đó làm nên nét đặc biệt ở mỗi người” - Elle Mace - Nguồn ảnh: Pexels
“Ý tưởng về vẻ đẹp hoàn mỹ thường được rao bán bởi các ngành kinh doanh, dịch vụ. Chúng ta sinh ra vốn không hoàn hảo nhưng chính điều đó làm nên nét đặc biệt ở mỗi người” - Elle Mace - Nguồn ảnh: Pexels

Song song đó, đừng sợ hãi sự thay đổi. “Thay đổi là một phần tất yếu khi chúng ta đang sống. Cơ thể phụ nữ đổi khác theo năm tháng là minh chứng rõ rệt. Thay vì cố kiểm soát vẻ ngoài của mình để che đậy vết tích thời gian, cách tích cực hơn là nhìn nhận vấn đề một cách chân thật, thẳng thắn” - Mace nói. Nếu mở lòng đón nhận thay vì than vãn về mái đầu điểm bạc, nếp nhăn khi cười hay vết rạn da sau khi sinh, bạn có thể nhìn thấy vẻ đẹp trong chính những chi tiết tưởng chừng không hoàn mỹ ấy. 

Cuối cùng, Mace khuyên mỗi người đừng hiểu lầm về cách triết lý wabi sabi đề cao lối sống dung dị, mộc mạc tự nhiên. Cô lý giải: “Wabi sabi không yêu cầu bạn bỏ đi thói quen tự chăm sóc, làm đẹp mỗi ngày. Triết lý này khuyến khích mỗi người đừng so sánh bản thân với ai khác. Việc chấp nhận bản thân càng giúp chúng ta sống đúng với con người thật và trở nên hạnh phúc, rạng ngời hơn. 

Tôi nghĩ thông điệp tuyệt vời nhất có thể đúc kết từ wabi sabi chính là tìm niềm vui trong những khoảnh khắc bình dị của hiện tại thay vì vẻ đẹp hào nhoáng nhưng mông lung chúng ta nhìn thấy ngoài kia. Cái đẹp quý giá luôn ẩn hiện trong muôn mặt đời sống: khi rèn luyện thể thao, khi vui cười cùng người thân hay xúc động trào nước mắt… - khi chúng ta tận hưởng cuộc sống theo cách của mình”. 

Theo phụ nữ TPHCM