Bệnh sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà còn được gọi bệnh mồng gà, hạt cơm sinh dục, mụn cóc sinh dục do virus Human Papilloma (HPV) gây ra. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như: quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, quan hệ với nhiều bạn tình, quan hệ quá sớm hoặc có mẹ bị nhiễm HPV.
Bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục và từ mẹ sang con (khi sinh thường đường dưới). Sùi mào gà có thể xuất hiện ở cả nam và nữ giới, tuy nhiên thống kê cho thấy tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn do âm đạo là môi trường lý tưởng để virus phát triển.
Sùi mào gà không có biểu hiện rõ ràng nên thường khó phát hiện, nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã tiến triển nặng, khó chữa. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 cho đến 9 tháng. Biểu hiện đặc trưng là các nốt/mảng sùi trên da, bề mặt xù xì, màu da, hồng tại các vùng niêm mạc sinh dục, hậu môn, miệng. Triệu chứng bệnh ở mỗi giới khác nhau, cụ thể như sau:
Ở nam giới: các nốt sùi nhỏ màu hồng tươi hoặc hồng nhạt ở dương vật, bìu, hậu môn. Ban đầu các nốt sùi không gây khó chịu và ngứa, sau đó phát triển thành mảng có đường kính vài cm, chạm vào thấy mềm và hơi ẩm ướt. Khi các nốt này vỡ sẽ chảy dịch, có thể chảy máu hoặc bốc mùi khó chịu.
Đối với nữ giới: các nốt sùi có thể xuất hiện trong hoặc bên ngoài âm đạo, hậu môn và miệng; có cảm giác ngứa rát và chảy dịch có mùi hôi gây mất tự tin; màu môi âm đạo bất thường, tiểu khó, tiểu rát.
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sùi mào gà có thể biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản, cụ thể như sau:
Phát triển thành các loại ung thư như ung thư dương vật, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng, cổ họng đối với người nhiễm virus qua đường miệng…
Phụ nữ mắc bệnh khi mang thai có thể gặp khó khăn khi sinh nở, dễ sinh non, lây bệnh cho thai nhi khi sinh thường đường dưới.
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: làm biến dạng dương vật, tắc ống dẫn tinh, tắc niệu đạo, gây mất cân bằng môi trường âm đạo…
Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra sự kỳ thị đối với người nhiễm, làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý, khiến người bệnh căng thẳng, tự ti trong giao tiếp xã hội...
Các biện pháp điều trị hiện nay bao gồm điều trị nội khoa (chấm TCA, BCA, tiêm Interferon...) và điều trị bằng thủ thuật (áp Nito lỏng, đốt điện, laser hoặc phẫu thuật…) nhằm loại bỏ thương tổn, giảm nguy cơ lây nhiễm, tránh biến chứng bội nhiễm và tắc nghẽn.
Khuyến cáo phòng bệnh sùi mào gà
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông khuyến cáo: Khi thấy mình có biểu hiện của sùi mào gà, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám, chẩn đoán bệnh và điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, cả hai giới cần thực hiện những biện pháp sau để phòng ngừa hiệu quả bệnh sùi mào gà:
Quan hệ tình dục thủy chung 1:1 và sử dụng biện pháp bảo vệ để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Tiêm vắc xin HPV phòng sùi mào gà và các bệnh lý ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn.
Thăm khám phụ khoa/nam khoa định kỳ.
Ăn uống, rèn luyện và sinh hoạt khoa học, lành mạnh để tăng cường đề kháng cho cơ thể.
Không dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn tắm, khăn mặt, đồ lót, cốc uống nước, bàn chải…) với người khác.
Khám sức khỏe định kỳ 1 đến 2 lần mỗi năm.
Thăm khám và xét nghiệm sùi mào gà sớm nhất có thể tại các cơ sở uy tín.
Thăm khám định kỳ giúp bạn nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường của cơ thể
Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hiện xây dựng các gói khám sức khỏe cơ bản giúp khách hàng phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ với bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Phương Đông tự tin khẳng định uy tín và vị thế của mình nhờ đội ngũ chuyên gia giỏi, trình độ cao, có nhiều năm công tác tại các bệnh viện lớn; hệ thống khoa phòng khang trang hiện đại, tiện nghi, thiết bị máy móc tiên tiến, đảm bảo sự chính xác trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Quy trình thăm khám tại Phương Đông được chuẩn hóa để tiết kiệm thời gian với nhân viên luôn túc trực, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng.
Theo suckhoedoisong.vn