Sưng phù mắt cá chân, hay còn gọi là phù ngoại biên, là tình trạng mà mô ở mắt cá chân bị phù bất thường do tích tụ chất lỏng, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Sưng phù mắt cá chân: 4 căn bệnh nguy hiểm có thể đang mắc- Ảnh 1.

Sưng phù mắt cá chân có thể là dấu hiệu của suy tim hay vấn đề ở thận

PEXELS

Tình trạng sưng phù mắt cá chân có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh đi lại, đứng hoặc ngồi trong thời gian quá lâu. Ấn ngón tay vào vùng bị sưng có thể để lại vết lõm trên da.

Sưng phù mắt cá chân có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nguy hiểm sau:

Xơ gan

Xơ gan là tình trạng mà gan hình thành các vết sẹo nghiêm trọng. Hệ quả là chức năng gan bị suy giảm, làm cản trở lưu thông máu, dẫn đến sưng ở cẳng chân, mắt cá chân và bụng. Nếu không điều trị, người bệnh có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng áp lực tĩnh mạch cửa, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, ung thư gan và suy gan.

Suy tim

Suy tim là tình trạng mà cơ tim quá yếu, khiến không thể bơm máu một cách hiệu quả. Tình trạng này sẽ khiến máu dễ bị ứ đọng ở chân tay. Ngoài ra, chất lỏng cũng sẽ tích tụ nhiều hơn ở phổi, gây ho và khó thở.

Bất thường ở thận

Những bất thường ở thận sẽ ảnh hưởng đến khả năng lọc máu của cơ quan này. Hệ quả là khiến chất lỏng dư thừa tích tụ ở bàn chân, cẳng chân và gây sưng phù. Nguyên nhân có thể là do thận đã bị tổn thương, thậm chí là bệnh thận mạn tính.

Suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch mạn tính xảy ra khi thành tĩnh mạch bị yếu và các van tĩnh mạch bị hỏng. Nếu điều này xảy ra, lưu thông máu sẽ bị ảnh hưởng, cuối cùng khiến máu ứ đọng ở các tĩnh mạch chân. Hệ quả là khiến mắt cá chân bị sưng phù.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch là tuổi già, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, từng mắt suy tim sung huyết, béo phì, hút thuốc và thường xuyên đứng quá lâu, theo Medical News Today.

Theo Thanh niên