Suy buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa
Cập nhật lúc 21:04, Thứ bảy, 05/10/2024 (GMT+7)
Suy buồng trứng là tình trạng chức năng của buồng trứng ngừng hoạt động và ngừng sản xuất trứng. Suy buồng trứng khiến việc sản xuất các hormone như estrogen và progesterone bị ngừng lại.
1. Buồng trứng là gì?
Buồng trứng là tuyến sinh dục của nữ, vừa có chức năng nội tiết (tiết ra các hormon sinh dục nữ quyết định giới tính phụ như estrogen và progesteron), vừa có chức năng ngoại tiết (sự rụng trứng).
Trên cơ thể người phụ nữ có hai buồng trứng nằm trên thành chậu hông bé của hai bên tử cung, dính vào lá sau dây chằng rộng, phía sau vòi tử cung, dưới eo chậu trên khoảng 10mm.
2. Bệnh lý suy buồng trứng
Suy buồng trứng là tình trạng chức năng của buồng trứng ngừng hoạt động và ngừng sản xuất trứng. Suy buồng trứng khiến việc sản xuất các hormone như estrogen và progesterone bị ngừng lại. Đây là những hormone có vai trò quan trọng đối với nữ giới, góp phần phát triển các đặc điểm sinh dục nữ, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và sự thụ thai. Suy buồng trứng là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm đời sống tình dục và cản trở khả năng sinh sản ở nữ giới.
3. Nguyên nhân gây suy buồng trứng là gì?
- Tuổi tác càng lớn thì số lượng và chất lượng trứng của người phụ nữ càng suy giảm cho đến khi họ bước vào thời kỳ mãn kinh. Độ tuổi càng cao quá trình sụt giảm này diễn ra càng mạnh mẽ.
- Thay đổi nhiễm sắc thể cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng suy buồng trứng. Bệnh nhân mắc một số rối loạn di truyền và nhiễm sắc thể như mắc hội chứng Turner hay hội chứng Fragile X đều có nguy cơ bị suy buồng trứng sớm hơn so với người bình thường.
- Hóa trị, xạ trị là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng suy buồng trứng. Liệu pháp này trong điều trị ung thư thường gây tổn thương đến vật liệu di truyền trong tế bào.
- Một số người bị bệnh tự miễn, khi đó các tế bào của hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể để chống lại mô buồng trứng và gây hại và làm hỏng các nang trứng.
- Việc giảm cân quá mức cũng là một trong những nguyên nhân gây suy buồng trứng, việc giảm cân quá mức sẽ khiến rối loạn chức năng thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến sự điều tiết của các hormone trong cơ thể có thể gây nên tình trạng suy buồng trứng.
- Nếu tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người phụ nữ. Điều này cũng ảnh hưởng xấu lên việc sản xuất và điều tiết hormone trong cơ thể, làm gián đoạn và suy giảm chức năng buồng trứng.
- Tác động ngoại lực gây tổn thương các mô buồng trứng cũng làm giảm số lượng trứng trên buồng trứng và có thể dẫn đến suy buồng trứng.
- 4. Bị suy buồng trứng sẽ có những biểu hiện nào?
- Dấu hiệu của suy buồng trứng thường là kinh nguyệt không đều, chu kỳ kinh ngắn hơn, rối loạn kinh nguyệt trong một thời gian dài hoặc kinh nguyệt bị trễ, lượng máu kinh ít hơn, màu sắc kinh nguyệt có sự thay đổi.
- Giảm nhu cầu và ham muốn tình dục, một số chị em có xu hướng né tránh chuyện giường chiếu. Âm đạo khô, không tiết đủ chất nhờn để bôi trơn khi quan hệ, dễ bị đau rát khi giao hợp.
- Hay mất ngủ giữa đêm, có cảm giác chóng mặt, buồn nôn. Da có dấu hiệu nhăn, bớt đàn hồi, ngực nhão và xệ, tóc dễ gãy rụng, giảm sút trí nhớ.
5. Suy buồng trứng có phải là bệnh lây nhiễm?
Suy buồng trứng không phải là bệnh di truyền cũng không lây nhiễm.
6. Cách phòng ngừa suy buồng trứng
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên chủ động theo dõi sức khỏe sinh sản cũng như sức khỏe tổng quát. Thực hiện khám sản khoa định kỳ cũng như đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như khí hư ra nhiều, kinh nguyệt không đều…
Cùng với đó hạn chế căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian dài, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Chế độ ăn uống hợp lý đủ các nhóm chất, bổ sung thêm rau, củ quả, đạm, vitamin, protein… Hạn chế các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chứa chất bảo quản hay đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ. Bổ sung đủ canxi, vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo suckhoedoisong.vn