Nguyên nhân suy giảm thị lực
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực ở mắt từ nhẹ đến nặng. Trong đó phổ biến nhất là các tật khúc xạ ở người trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn rõ hình ảnh như:
- Cận thị
- Viễn thị
- Loạn thị
Tuy nhiên, khi tật khúc xạ được phát hiện sớm có thể khắc phục được thị lực bằng nhiều biện pháp hoặc phẫu thuật để điều trị dứt điểm, khôi phục lại thị lực.
Người ta còn thấy vấn đề lão hóa cũng gây giảm thị lực. Đây là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể khi bước sang tuổi 40 mắt dần có các dấu hiệu lão hóa gây suy giảm thị lực. Lão thị là tình trạng suy giảm thị lực do lão hóa phổ biến nhất khiến tầm nhìn giảm gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, làm việc.
Các bệnh lý ở mắt khiến tầm nhìn người bệnh bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, ở một số người lớn tuổi còn có thể mắc một số bệnh lý về mắt do tuổi tác như:
- Bệnh đục thủy tinh thể,
- Bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác,
- Bệnh thoái hóa võng mạc,... nếu không được phát hiện kịp thời có thể khiến người bệnh mất thị lực vĩnh viễn.
Giảm thị lực còn do sự cố chấn thương ở mắt xảy ra trong sinh hoạt thường ngày hay nhiễm trùng mắt, khiến mắt bị viêm nhiễm đều gây ra những ảnh hưởng xấu đến thị lực. Những ảnh hưởng nhỏ nếu điều trị và chăm sóc tốt người bệnh có thể lấy lại thị lực bình thường.
Bệnh lý toàn thân cũng có thể gây ảnh hưởng đến thị lực trong đó thường gặp nhất là bệnh đái tháo đường bởi gây ra bệnh võng mạc đái tháo đường rất nguy hiểm cho mắt, có thể khiến mắt mù lòa. Bệnh tăng huyết áp gây ra tình trạng tắc tĩnh mạch võng mạc khiến mắt bị mờ đi…
Ngoài ra các bệnh lý về mắt như nhược thị, xuất huyết dịch kính, viêm kết mạc, bệnh mù màu, quáng gà, ung thư mắt,... và các bệnh lý khác về mắt khác đều làm suy giảm thị lực, giảm tầm nhìn của mắt. Bệnh cần được phát hiện sớm để có thể khắc phục, điều trị kịp thời, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho mắt, khả năng bị mù lòa rất cao.
Nhận biết sớm suy giảm thị lực
Khi suy giảm thị lực người bệnh thường có các biểu hiện như:
- Người bệnh thấy tầm nhìn thay đổi đột ngột.
- Nhìn mờ, nhìn không rõ các chi tiết của hình ảnh.
- Thường xuyên bị đau 1 hoặc cả 2 bên mắt.
- Cảm thấy có 1 màn chắn trước mắt khiến mắt nhìn không rõ sự vật.
- Nhìn thấy những vệt đen.
- Nhìn hình ảnh bị méo mó, cong vẹo.
Bất kỳ biểu hiện bất thường nào của mắt cũng là dấu hiệu cho thấy mắt đang có vấn đề cần đến bệnh viện, phòng khám uy tín để được kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe mắt.
Suy giảm thị lực điều trị thế nào?
Cũng như các bệnh khác, khi suy giảm thị lực tùy thuộc vào tình trạng bệnh, sức khỏe, căn nguyên gây giảm thị lực mà các bác sĩ sẽ chỉ định hợp lý. Với nguyên tắc điều trị giúp cải thiện, hồi phục lại thị lực cho người bệnh.
Nếu suy giảm thị lực do bệnh cận, viễn, loạn… có thể khắc phục bằng việc đeo kính hoặc phẫu thuật để điều trị hoàn toàn.
Nếu do các bệnh lý khác về mắt bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất như dùng thuốc uống, thuốc nhỏ, phẫu thuật hoặc phối hợp các phương pháp điều trị với nhau để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Tuy nhiên không phải việc điều trị cũng có thể giúp người bệnh phục hồi hoàn toàn. Bởi việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh.
Trường hợp bệnh nặng, ở giai đoạn muộn hoặc một số bệnh cảnh cụ thể nguy hiểm khiến thị lực không thể phục hồi. Bởi vậy, khi có các biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để khám.
Để phòng các bệnh lý về mặt cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho mắt. Cần bảo vệ mắt trước những tác động của môi trường, duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học,...
Theo suckhoedoisong.vn