leftcenterrightdel
Bệnh suy giãn tĩnh mạch khiến các tĩnh mạch giãn lớn, nổi ngoằn ngoèo sát bề mặt da, có màu xanh hoặc đỏ, nhỏ như sợi tóc đến lớn như chiếc đũa. Ảnh: 220triathlon 

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (Mỹ), nghiên cứu ước tính khoảng 20% người trưởng thành sẽ bị suy giãn tĩnh mạch vào thời điểm nào đó trong đời. Mặc dù bệnh này phổ biến ở người lớn tuổi, đôi khi những người trẻ tuổi cũng có thể mắc phải.

Liên quan đến bệnh suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ CKI. Hồ Thi Vũ, khoa Tim mạch Bệnh viện C Đà Nẵng, cho biết suy giãn tĩnh mạch là hậu quả của sự hư hại các van trong lòng tĩnh mạch, làm cho máu chảy theo chiều ngược lại bình thường.

Thay vì được bơm từ bàn chân lên tim, máu sẽ đi theo chiều ngược làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch, đồng thời kéo giãn thành tĩnh mạch.

Thêm vào đó, khi tĩnh mạch giãn, nó sẽ kéo các van và làm cho tình trạng hở van nặng thêm. Điều này làm tăng áp lực trong tĩnh mạch, gây nên tình trạng viêm, giãn tĩnh mạch kèm theo các biến chứng khác.

Triệu chứng

Theo bác sĩ Thi Vũ, triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch bao gồm:

- Tĩnh mạch giãn lớn, nổi ngoằn ngoèo sát bề mặt da, có màu xanh hoặc đỏ, nhỏ như sợi tóc đến lớn như chiếc đũa.

- Đau nhức, nặng và mỏi chân.

- Cảm giác nóng, ngứa, và co cứng hay chuột rút về đêm.

- Tê rần, châm chích, cảm giác như kiến bò ở chân.

- Phù chân thường xuất hiện vào buổi chiều hay sau khi đứng một lúc.

Bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới nếu không điều trị kịp thời, hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp như gây thâm da, loét chân, hình thành huyết khối trong lòng tĩnh mạch và có thể gây tử vong.

Nguyên nhân

Bác sĩ Thi Vũ cho biết người cao tuổi là đối tượng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch. Các nhà nghiên cứu đều công nhận tuổi tác là yếu tố làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch mạn tính. Độ tuổi từ 30 trở lên sẽ dễ mắc bệnh giãn tĩnh mạch, khi tuổi tác càng cao thì tình trạng bệnh sẽ trầm trọng hơn.

leftcenterrightdel
Ngồi làm việc sai tư thế, ngồi hoặc đứng một chỗ trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh giãn tĩnh mạch. Ảnh: Pexels 

Ngoài ra, một vài yếu tố nguy cơ khác cũng có thể dẫn đến bệnh suy giãn tĩnh mạch như:

- Tính chất công việc bắt buộc phải đứng, ngồi một chỗ trong thời gian dài.

- Do thói quen mặc quần quá khít hay mang giày cao gót ở phụ nữ.

- Do quá trình mang thai, phụ nữ càng mang thai nhiều lần, khả năng bị giãn tĩnh mạch càng lớn.

- Do béo phì, táo bón và một số bệnh lý khác.

Cách điều trị

Những người có nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch cao như phụ nữ trên 30 tuổi, người làm công việc buộc phải ngồi nhiều, đứng lâu, người có triệu chứng đau, nặng hay mỏi chân vào chiều tối, được khuyến khích đến chuyên khoa về mạch máu để chẩn đoán và điều trị sớm.

Tùy thuộc vào từng cấp độ mà bệnh giãn tĩnh mạch có thể điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp mang vớ hoặc điều trị bằng các phương pháp can thiệp như phẫu thuật, chích xơ, laser nội tĩnh mạch...

Bệnh nhân giãn tĩnh mạch cần duy trì thói quen sinh hoạt năng động, lành mạnh và thường xuyên tập thể dục. Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung nhiều chất xơ, vitamin E, C, giữ trọng lượng cơ thể hợp lý...

Cách ngăn ngừa

Theo bác sĩ Thi Vũ, làm việc sai tư thế, ít vận động, thường xuyên đi giày cao gót, mặc quần áo chật, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng... có thể là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên văn phòng trở thành đối tượng có nguy cơ cao mắc suy giãn tĩnh mạch.

Để ngăn ngừa bệnh này, chúng ta cần:

Tập thể dục đều đặn

Thường xuyên tập luyện là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện lưu lượng máu và giảm viêm. Khi cơ thể trong trạng thái ít vận động suốt thời gian dài, các tĩnh mạch sẽ khó bơm máu trở lại tim một cách hiệu quả.

Một số bài tập như nâng chân, đạp xe, lắc hông có thể giúp tăng cường và kéo giãn các tĩnh mạch xung quanh chân. Những bài tập cường độ thấp như đi bộ nhanh, bơi lội cũng rất hữu ích vì chúng giúp giảm áp lực đến chi dưới.

Mang vớ tĩnh mạch

Vớ tĩnh mạch là sản phẩm y khoa hỗ trợ điều trị hiệu quả suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Việc đeo vớ tĩnh mạch hàng ngày sẽ giữ các van tĩnh mạch ở đúng vị trí, thúc đẩy lưu thông máu, giảm phù nề, tê bì và cải thiện các triệu chứng khó chịu khác do bệnh gây ra.

Hạn chế mang giày cao gót

leftcenterrightdel
Trong trường hợp phải mang giày cao gót, chúng ta có thể mang vớ tĩnh mạch để ngăn ngừa bệnh. Ảnh: Pexels 

Ở phụ nữ phải thường xuyên mang giày cao gót, trọng lượng cơ thể bị dồn xuống hai bàn chân khiến các tĩnh mạch chân phải chịu áp lực lớn. Từ đó, nó làm mất đi cơ chế đi ngược máu từ chi dưới lên tim.

Vì thế, chúng ta hãy hạn chế mang những đôi giày cao gót trên 5 cm. Trong trường hợp bắt buộc phải đi giày cao gót, chúng ta nên mang vớ tĩnh mạch kèm theo.

Không đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài

Giữ nguyên tư thế trong thời gian dài có thể gây khó khăn cho quá trình lưu thông máu, đồng thời tăng áp lực của các tĩnh mạch ở chân và khiến máu khó trở về tim. Thậm chí, việc này còn khiến hình thành cục máu đông.

Chúng ta nên di chuyển nhiều lần trong ngày, sau mỗi 30-45 phút ngồi/đứng làm việc, thực hiện các bài tập kéo giãn ít nhất 2 lần/ngày và cố gắng kê cao chân khi nghỉ 2-3 lần/ngày…

Duy trì cân nặng hợp lý

Người thừa cân thường dễ bị suy giãn tĩnh mạch hơn. Cân nặng tăng quá mức sẽ làm tăng áp lực lên tĩnh mạch, góp phần gây viêm hoặc trào ngược ở các tĩnh mạch nông.

Theo Zingnews