1. Suy giáp khi mang thai có nguy hiểm không?
Suy giáp khi mang thai có nhiều nguyên nhân và có những ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi nếu không được điều trị. Tùy mức độ suy giáp nhẹ hay nặng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi khác nhau.
Với phụ nữ mang thai bị suy giáp cận lâm sàng (mức độ nhẹ), sẽ không có các triệu chứng lâm sàng rõ rệt, mà chỉ được phát hiện khi đi khám bệnh. Suy giáp mức độ nặng sẽ có các biểu hiện rõ rệt và có nhiều nguy cơ:
- Nguy cơ với mẹ: Khi phụ nữ mang thai bị suy giáp không điều trị hoặc điều trị không đủ liều gây nên thiếu máu, đau cơ, yếu cơ, suy tim sung huyết, tiền sản giật, bất thường về nhau thai, trẻ sinh ra nhẹ cân và chảy máu sau sinh. Những biến chứng này hầu hết xảy ra ở những phụ nữ mang thai bị suy giáp nặng.
- Nguy cơ suy giáp đối với thai nhi: Mặc dù trong các nghiên cứu, ảnh hưởng của người mẹ bị suy giáp khi mang thai lên sự phát triển của não trẻ còn chưa rõ ràng. Nhưng các bằng chứng đều cho thấy, suy giáp thai kỳ nặng không được điều trị có thể dẫn đến giảm sự phát triển não trẻ.
Hormone tuyến giáp rất cần thiết cho sự phát triển não của trẻ. Nếu trẻ sinh ra suy giáp bẩm sinh có thể bất thường nghiêm trọng về nhận thức và sự phát triển của hệ thần kinh.
2. Biện pháp điều trị suy giáp thai kỳ
2.1 Điều trị suy giáp cận lâm sàng
Suy giáp cận lâm sàng khi mang thai thường biểu hiện cận lâm sàng thấy nồng độ hormone tuyến giáp trong máu (FT3; FT4) trong giới hạn bình thường và nồng độ TSH tăng nhẹ. Nồng độ hormone TSH huyết thanh > 2,5 mIU/L trong 3 tháng thai kỳ đầu tiên hoặc > 3 mIU/L trong 3 tháng thai kỳ thứ hai và < 10 mIU/L 3 tháng thai kỳ thứ ba.
Trong một số nghiên cứu, khi mức độ suy giáp nhẹ, không có biểu hiện lâm sàng, thì nguy cơ sảy thai, sinh non sẽ cao hơn nếu không được điều trị bằng levothyroxin. Ở một số nghiên cứu khác lại cho kết quả về hiệu quả của điều trị không rõ ràng. Do đó còn khá nhiều tranh cãi về việc sử dụng levothyroxin điều trị suy giáp cận lâm sàng cho phụ nữ mang thai.
Hiệp hội tuyến giáp Mỹ và Hội nội tiết Mỹ cùng khuyến cáo nên điều trị levothyroxin cho phụ nữ có thai suy giáp cận lâm sàng, nhưng cần thảo luận với bệnh nhân về lợi ích và nguy cơ trước khi dùng thuốc.
2.2 Điều trị suy giáp ở phụ nữ mang thai
Cũng như các trường hợp bị suy giáp bình thường khác (ở cả đàn ông hoặc phụ nữ không mang thai), điều trị suy giáp ở phụ nữ mang thai cần được dùng hormone tuyến giáp levothyroxine tổng hợp để thay thế.
Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai, thường phải tăng liều so với người bình thường (tùy theo kết quả xét nghiệm mà có thể tăng từ 25-50% so với liều thông thường).
Thậm chí, trước khi mang thai cần điều chỉnh liều levothyroxine tối ưu và kiểm tra TSH ngay khi có thai để bác sĩ điều chỉnh TSH về mức bình thường.
Ngoài ra, mỗi 6-8 tuần, phụ nữ mang thai cần được kiểm tra chức năng tuyến giáp để chắc chắn chức năng tuyến giáp bình thường xuyên suốt quá trình mang thai.
Trường hợp thay đổi liều levothyroxine, cần kiểm tra chức năng tuyến giáp sau 4 tuần.
Sau khi sinh, liều levothyroxine được đưa về giống như trước khi mang thai càng sớm càng tốt.
Một số lưu ý:
- Vitamin dành cho phụ nữ mang thai có chứa sắt và canxi, sẽ làm giảm hấp thu hormone tuyến giáp qua đường tiêu hóa. Do đó cần uống các thuốc cách nhau ít nhất 2-3 giờ.
- Để phòng nguy cơ suy giáp thai kỳ, phụ nữ nên kiểm tra TSH trước khi mang thai hoặc khi có thai càng sớm càng tốt. Đặc biệt ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh lý tuyến giáp (trước đó điều trị cường giáp, tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp, bướu cổ).
- Với trẻ sơ sinh sau khi được sinh ra, cần được sàng lọc suy giáp bẩm sinh để được điều trị thay thế hormone tuyến giáp sớm nhất có thể.
|