leftcenterrightdel
Tái nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ra các triệu chứng nhẹ nhưng tác động lâu dài tới sức khỏe. Ảnh: Scientificamerican. 

Khi việc tái nhiễm với virus gây Covid-19 đang ngày càng gia tăng, các nhà khoa học cảnh báo mỗi lần bị nhiễm bệnh, bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe trong tương lai.

Do sự xuất hiện của biến chủng Omicron dễ lây nhiễm hơn, nhiều người còn bị nhiễm virus lần thứ 3 hoặc thậm chí thứ 4. Các nghiên cứu cũng chỉ ra các biến chủng phụ của Omicron như BA.5 có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn so với trước đó.

Tác động tức thời và lâu dài

Theo India Times, các nghiên cứu phát hiện việc tái nhiễm thường nhẹ hơn so với lần mắc đầu tiên. Điều này là do hệ thống miễn dịch trước đó đã tiếp xúc virus và biết cách đối phó với nó. Hệ thống miễn dịch phản ứng nhanh hơn so với lần trước, đó là lý do người bệnh chỉ gặp các triệu chứng nhẹ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tái nhiễm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng ngay lập tức đến sức khỏe của mọi người. Bất kỳ trường hợp nào, ngay cả tái nhiễm nhẹ, cũng không nên bỏ qua vì mỗi lần nhiễm trùng tiếp theo sẽ làm tăng nguy cơ tổn hại sức khỏe.

Trong nghiên cứu mới được công bố vào tháng 6, Ziyad Al-Aly, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Hệ thống chăm sóc sức khỏe Cựu chiến binh St. Louis, đồng thời là nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington (Mỹ), đã phân tích hơn 5,6 triệu hồ sơ y tế của các cựu chiến binh.

Kết quả cho thấy mỗi lần nhiễm virus gây Covid-19 mới lại làm tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân. Tái nhiễm SARS-CoV-2 cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan tim, máu và não, bệnh tiểu đường, mệt mỏi mạn tính.

Nghiên cứu gần đây của Laith J. Abu-Raddad, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Weill Cornell Medicine - Qatar, cho thấy những người đã được chủng ngừa và bị nhiễm trùng trước đó ít có khả năng tái nhiễm nặng, nguy kịch hoặc tử vong hơn.

Tuy nhiên, ông Abu-Raddad nhấn mạnh ngay cả khi nguy cơ tái nhiễm nặng là rất nhỏ, mỗi lần nhiễm trùng tiếp theo sẽ nguy hại cho sức khỏe. Điều này có thể do việc tái nhiễm SARS-CoV-2 gây ra tình trạng viêm nhiễm lâu dài trong mạch máu, dẫn đến hình thành các cục máu đông và tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Tái nhiễm và Long Covid

 Các nhà khoa học lo lắng mỗi lần tái nhiễm cũng làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng Long Covid, dẫn đến một loạt các triệu chứng kéo dài hàng tháng đến hàng năm sau lần nhiễm trùng đầu tiên.

Theo National Geographic, nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào tháng 9/2021 cho thấy những người đã tiêm 2 liều vaccine Covid-19 có nguy cơ mắc Long Covid bằng một nửa so với người không tiêm. Tuy nhiên, nghiên cứu vào tháng 5/2022 được công bố trên tạp chí Nature Medicine, cũng do ông Al-Aly đồng tác giả, cho thấy việc tiêm phòng có thể làm giảm nguy cơ phát triển Long Covid chỉ khoảng 15%.

Trong khi đó, theo nghiên cứu gần đây nhất của tiến sĩ Al-Aly, Long Covid phổ biến hơn ở những người bị bội nhiễm, so với người chỉ mắc Covid-19 một lần.

leftcenterrightdel
Tình trạng Long Covid xảy ra phổ biến hơn ở những người bội nhiễm. Ảnh: Newsmedical. 

Các nhà khoa học tin rằng điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân gây ra Long Covid, trước khi có thể chắc chắn bất kỳ mối liên hệ nào giữa những triệu chứng hậu Covid-19 và tỷ lệ tái nhiễm. Cho đến nay, có một số giả thuyết về lý do chúng ta có thể tiếp tục gặp phải các triệu chứng phiền toái ngay cả khi đã hồi phục sau lần mắc Covid-19 ban đầu.

Một số nhà nghiên cứu suy đoán Long Covid là do các phần tử của virus tồn tại trong cơ thể ngay cả khi giai đoạn cấp tính của bệnh đã kết thúc. Những người khác cho rằng nó có thể là do rối loạn tự miễn dịch có từ trước hoặc hệ thống miễn dịch không được thiết lập lại bình thường sau lần bị bệnh trước đó. Nhưng nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định.

Phòng ngừa là biện pháp tốt nhất

 Các nhà khoa học cần thêm thời gian để nghiên cứu về SARS-CoV-2. Khi virus liên tục thay đổi với các biến chủng mới, nhiều nghiên cứu được thực hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng mọi thứ có thể diễn ra theo một trong hai cách: Tình trạng tái nhiễm tồi tệ hơn nhiều hoặc đạt đến mức độ mà chúng ta có khả năng miễn dịch suốt đời.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng mọi người vẫn nên tuân thủ các biện pháp an toàn để bảo vệ mình trước nguy cơ tái nhiễm. Điều quan trọng là phải tiêm phòng và tăng cường nếu bạn đủ điều kiện.

Khẩu trang vẫn là cần thiết, đặc biệt nếu bạn ở nơi công cộng, đông đúc. Tốt nhất là tránh tái nhiễm vì bạn có thể gặp các triệu chứng nhẹ nhưng vẫn không biết về những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài đối với sức khỏe của cơ thể.

Theo zingnews