Tam thất có tên thường gọi là: Tam thất, Kim bất hoán, Sâm tam thất, Thổ sâm.

Tên khoa học: Panax pseudo-ginseng (Burk) F.H.Chen. Họ: Araliaceae (Nhân sâm).

Hiện nay nguồn củ tam thất chủ yếu nhập từ Trung Quốc, có xuất xứ từ Vân Nam, Quảng Tây, Tứ xuyên. Một số được di thực trồng ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai của Việt Nam cũng cho chất lượng cũng khá tốt, nhưng số lượng còn khiêm tốn. Củ tam thất trồng càng lâu năm thì chất lượng càng tốt, thời gian trồng từ 3 -7 năm.

Theo Y học cổ truyền, tam thất vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào hai kinh can và vị; có tác dụng hành ứ, cầm máu, tiêu thũng… dùng chữa thổ huyết, chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiện ra máu, lỵ ra máu, đẻ xong máu hôi không sạch, ung thũng, bị đòn tổn thương, bồi bổ cơ thể, sinh huyết, chữa chóng mặt sau sinh (huyễn vựng)...
 
Tác dụng của củ tam thất- Ảnh 1.
 
 

Tam thất là vị thuốc quý có tác dụng bổ máu.

Cách bào chế tam thất

Tam thất có nhiều cách bào chế và cách chế khác nhau thì công dụng cũng khác nhau. Thông thường tam thất được bào chế theo 4 cách dưới đây:

- Dùng tươi, rửa sạch, giã nát: Phương pháp này chỉ để dùng ngoài, thường được đắp lên vùng tổn thương trên da.

- Dùng sống, rửa sạch, phơi hay sấy khô rồi thái phiến hay tán thành bột: Thường dùng áp dụng để chữa các chứng như xuất huyết, tổn thương do trật đả, xích lỵ, đại tiện ra máu tươi, đau thắt ngực do thiểu năng mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim, bệnh gan...

- Dùng chín (hay còn gọi là thục tam thất), rửa sạch, ủ rượu cho mềm (24- 48 giờ) rồi thái mỏng sao qua, tán bột.

- Dùng chín, củ tam thất rửa sạch, thái mỏng rồi sao với dầu thực vật (dầu mè, dầu lạc), cho đến khi có màu vàng nhạt rồi đem tán bột, thường dùng với mục đích bồi bổ cho những trường hợp cơ thể suy nhược, khí huyết bất túc.

2. Nguyên lý dùng tam thất

+ Dùng sống chủ yếu để tán ứ chỉ huyết, tiêu thũng định thống;

+ Dùng chín chủ yếu để bồi bổ.

Có thể thái lát sắc uống hoặc tán bột để uống.

Liều dùng thông thường:

- Sắc uống từ 5 - 10g/ mỗi ngày.

- Tán bột uống bột từ 1,5 - 7,5g (một số trường họp đặc biệt 10g).

- Dùng ngoài không kể liều lượng.

3. Một số bài thuốc có tam thất

Bài 1. Thuốc cầm máu dùng trong trường họp chảy máu cam, chảy máu võng mạc: Tam thất thát lát sống 10g, nước 200 ml. Sắc còn 100 ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài 2. Bị đánh tổn thương bầm tím: Tam thất thát lát sống 05g, nước 150 ml. Sắc còn 50 -70 ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài 3. Bị ứ huyết gây sưng đau (chủ yếu là 2 chân): Tam thất thát lát sống 07g, nước 250 ml. Sắc còn 100 ml, chia uống 2 lần trong ngày (có thể nhai ăn luôn lát củ sau sắc).

Bài 4. Nôn ra máu (thổ huyết): Tam thất bột chín 3.5g, uống với nước ấm, ngày 02 lần, dùng trong 3-5 ngày.

Bài 5. Đại tiện ra máu (tiện huyết): Tam thất bột chín 03g, uống với nước ấm. Ngày 02 lần, dùng trong 3-5 ngày.

Bài 6. Sản hậu huyễn vựng (chóng mặt sau sinh): Tam thất thát lát sống 10g, đỏ ngọn 20g, nước 300 ml. Sắc còn 100 -150 ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài 7. Bồi bổ sau sinh, sau ổm dậy: Tam thất bột chín 4g, thịt gà 150g, hầm kỹ thịt gà với bột tam thất, thêm gia vị ăn ngày 01 lần, bệnh nặng dùng 15-20 ngày.

Bài 8. Chữa rong kinh, kinh kéo dài: Bột tam thất chín 7g, mật ong 5-10 ml. Pha bột tam thất, mật ong với nước ấm, uống chia ngày 02 lần.

Bài 9. Chữa bệnh trưng hà (trong bụng có khối tích, hoặc trướng, hoặc đau): Tam thất thái lát sống 12g, nước 300 ml. Đun kỹ còn 100-150 ml, chia uống 02 lần trong ngày (có thể nhai lát tam thất sau sắc ăn).

Bài 10. Chống rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp: Bột tam thất sống 3g, chia làm 02 lần uống với nước ấm ngày 02 lần, đợt dùng 10-15 ngày.

Bài 11. Hỗ trợ điều trị các bệnh khối u: Tam thất bột sống 5g, chia làm 02 phần, uống ngày 02 lần với nước ấm sau ăn. Thời gian dùng đợt: 25-30 ngày.

Bài 12. Chữa ngoài sưng đau do đánh, ngã, té: Củ tam thất sống 1-2 củ, rượu trắng nhẹ 5- 10 ml. Củ tam thất thái mỏng, giã nát mịn, trộn với rượu hâm nóng, để nguội (ấm) đắp lên vùng bị tổ thương băng lại, ngày thay 01 lần đến khi hết.

Theo suckhoedoisong.vn